Hiệu quả từ Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại

Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) giai đoạn II trên địa bàn tỉnh đã và đang đạt được nhiều kết quả tích cực. Nông dân đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất rừng và trang trại theo chuỗi liên kết, nâng cao giá trị kinh tế từ 10 – 20%.

Triển khai Chương trình FFF giai đoạn II, các cơ chế, chính sách liên quan tới tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) được thúc đẩy thông qua các diễn đàn đa ngành. Trong 2 năm qua (2020 - 2021), Ban Quản lý chương trình FFF II tỉnh đã tổ chức 06 cuộc hội thảo nhóm trọng tâm, với 240 đại biểu tại 3 xã trong vùng thực hiện dự án, gồm: Mỹ Phương, Yến Dương (Ba Bể) và Phương Viên (Chợ Đồn), nhằm hỗ trợ xây dựng kế hoạch hoạt động. Tổ chức 07 hội nghị bàn tròn cấp tỉnh, huyện, xã để tìm ra những khó khăn, vướng mắc và nhận được sự quan tâm từ các cấp, ngành hỗ trợ giải quyết.

Ông Hà Quốc Duyệt- Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Phương cho biết: Thông qua hội thảo, hội nghị bàn tròn, các thành viên THT, HTX đã mạnh dạn nêu ra một số khó khăn trong thực tế như: Quy mô sản xuất còn manh mún; chưa kết nối được với thị trường tiêu thụ ổn định; chưa biết cách tiếp cận các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp; sản phẩm còn hạn chế về tem nhãn, bao bì cũng như việc quảng bá chưa rộng rãi... Từ đó, Hội đã xây dựng kế hoạch, tham mưu chính quyền địa phương đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ như: Tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ năng, chuyển giao kỹ thuật trong sản xuất; giúp các THT, HTX tiếp cận vốn ưu đãi từ nhiều chương trình khác nhau; nâng cao năng lực cho các thành viên thông qua xây dựng kế hoạch làm việc theo nhóm; tìm đối tác, đơn vị thu mua sản phẩm với giá tốt hơn...

Thông qua thực hiện Chương trình FFF, các mô hình canh tác theo hướng hữu cơ ngày càng được nhân rộng. Tại xã Phương Viên, mô hình lúa Japonica, lúa Bao Thai có 32 hộ tham gia; mô hình trồng gừng dưới tán rừng diện tích 04ha với 12 hộ thực hiện. Tại xã Yến Dương, mô hình trồng bí xanh thơm 05ha/50 hộ; trồng dong riềng 05ha/15 hộ; lúa Nếp Tài 05ha/25 hộ. Tại xã Mỹ Phương, mô hình trồng bí xanh thơm 02ha/7 hộ. Hội Nông dân tỉnh trực tiếp hướng dẫn các THT, HTX thực hiện công tác kiểm tra đồng ruộng, đôn đốc thành viên tuân thủ đúng quy trình sản xuất hữu cơ để tiến hành cấp chứng nhận PGS (chứng nhận hữu cơ) sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Tổ chức đào tạo về kỹ năng, phương pháp kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS. Tiến hành thanh tra thực tế, đến nay các THT, HTX đã thực hiện xong thanh tra chéo, hồ sơ đã gửi tỉnh xem xét cấp giấy chứng nhận PGS cho một số sản phẩm.

Thúc đẩy phát triển kinh tế rừng, THT Tổng Chiêu, xã Phương Viên (Chợ Đồn) xây dựng mô hình trồng cây xạ đen với 25.000 cây trên diện tích 3ha. Trong đó Chương trình FFF hỗ trợ 6.000 cây giống, số còn lại chính quyền xã hỗ trợ giống, phân bón từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới. HTX Hoàn Thành xây dựng mô hình trồng dược liệu (cây khôi nhung) dưới tán rừng với diện tích 5ha, trong đó Chương trình FFF hỗ trợ hơn 1.000 cây giống. Các cấp Hội Nông dân tiếp tục đôn đốc các THT, HTX phát triển mô hình trồng cây gỗ lớn với diện tích 241ha, chủ yếu là cây mỡ.

Ông Mã Hoàng Tạ- Giám đốc HTX Tạ Anh, xã Mỹ Phương (Ba Bể) cho biết: Để phát triển kinh tế rừng theo chuỗi giá trị, HTX xác định chế biến sâu sản phẩm lâm nghiệp như: Ván bóc, tinh dầu hồi... đem lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân. Hiện nay, các thành viên HTX cũng như nhiều người dân trên địa bàn đã có những thay đổi về nhận thức trong việc chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng; biết cách khai thác tài nguyên rừng một cách hiệu quả, hợp lý. Đó là tiền đề để HTX hướng tới mục tiêu được cấp chứng chỉ FSC.

Việc xây dựng mạng lưới liên kết, hợp tác giữa các THT, HTX cũng được đẩy mạnh thông qua hoạt động tham quan, học tập tại các mô hình tiêu biểu như HTX Nông nghiệp Thanh niên Như Cố (xã Như Cố, Chợ Mới), Công ty TNHH Việt Nam MISAKI (Khu công nghiệp Thanh Bình, Chợ Mới)... Qua đó, các THT, HTX đã thảo luận kế hoạch nhằm năng cao năng lực sản xuất, kết nối thị trường, xây dựng mô hình sản xuất đáp ứng mục tiêu giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng chí Lưu Văn Quảng- Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Sau hơn 2 năm triển khai, Chương trình FFF II đã tạo sự thay đổi rõ rệt về tư duy, nhận thức của người nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Bà con đã thực sự quan tâm đến việc sản xuất sản phẩm sạch thông qua quy trình canh tác hữu cơ, quan tâm đến sức khỏe bản thân cũng như sức khỏe người tiêu dùng. Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 3 sản phẩm được chứng nhận hữu cơ gồm: Bí xanh thơm, dong riềng, gạo Nếp Tài. Cùng với đó là chuyển đổi nhận thức về tính hiệu quả kinh tế rừng, chú trọng đầu tư trồng rừng gỗ lớn, biết đầu tư, khai thác dược liệu dưới tán rừng để tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Trong thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục duy trì hoạt động nhóm nòng cốt cộng đồng ở cấp xã; nhân rộng những mô hình sản xuất hữu cơ trong vùng dự án và ngoài vùng dự án; nâng quy mô hoạt động của một số THT lên thành HTX... Qua đó từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất nông, lâm nghiệp một cách bền vững./.

Thu Hường

Xem thêm