Chú trọng phát triển và bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Phát huy thế mạnh về nguồn nước, nghề nuôi thủy sản đang được người dân các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh phát triển. Cùng với đó, các hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản đang được quan tâm chú trọng.

Toàn tỉnh hiện có hơn 30 hồ chứa nước lớn và hàng nghìn công trình mương dẫn nước, không những phục vụ sản xuất nông nghiệp mà còn là điều kiện thuận lợi để người dân phát triển nguồn lợi thủy sản. Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, năm 2011 toàn tỉnh có 1.095ha diện tích nuôi thủy sản, đến năm 2021 phát triển lên 1.346ha. Tổng sản lượng thủy sản năm 2011 đạt 870 tấn, 9 tháng năm 2021 sản lượng đạt 2.615 tấn. Ngoài ra, tại các địa phương còn có 57 lồng nuôi cá với thể tích khoảng 2.407m3.

Ao nuôi cá rô phi đơn tính của anh Khang, thôn Đồng Tâm, Kim Lư (Na Rì) thường xuyên được sục khí.
Ao nuôi cá rô phi đơn tính của anh Khang, thôn Đồng Tâm, Kim Lư (Na Rì) thường xuyên được sục khí.

Phần lớn thủy sản được nuôi theo phương thức quảng canh và bán thâm canh, nuôi ghép các loài truyền thống như cá mè, trôi, trắm, chép, rô phi,.. tại ao và một số diện tích ruộng chủ động nước. Bên cạnh đó, một số diện tích nuôi đơn loài như cá rô phi, chép lai, cá hồi, cá tầm và các loài cá bản địa như cá chày..., nhưng quy mô nhỏ.

Do diện tích mặt nước không lớn, người dân tận dụng nguồn nước từ các khe đồi để đắp ao hay dành một phần ruộng làm ao nuôi cá. Không chỉ cải thiện bữa ăn hằng ngày, nhiều hộ đã chú trọng chăm sóc và mở rộng diện tích để tăng sản lượng, tăng thêm nguồn thu nhập. Đơn cử như hộ anh Hoàng Văn Khang, thôn Đồng Tâm, xã Kim Lư (Na Rì) nuôi cá khoảng chục năm nay với diện tích hơn 4.000m2. Anh chia thành các ao nhỏ nuôi gối để đảm bảo lúc nào cũng có cá xuất bán. Để có nguồn thức ăn cho cá, gia đình anh trồng cỏ voi, chuối, sắn xung quanh bờ ao và bổ sung thêm bột ngô. Đối với ao nuôi cá rô phi đơn tính, anh Khang đầu tư máy bơm sục khí để cá không bị ngạt. Các loại cá chép, trắm, rô phi đơn tính được gia đình anh bán tại các chợ phiên lân cận, cá to thì giao cho nhà hàng nên cơ bản không khó khăn về đầu ra. Nhờ nuôi cá, mỗi năm gia đình anh có thêm thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng.

Còn gia đình anh Đặng Văn Hoành ở xã Đại Sảo (Chợ Đồn) duy trì diện tích ao nuôi cá từ nhiều năm nay. Theo anh Hoành, diện tích ao 1.500m2 của gia đình được cải tạo từ ruộng lúa để nuôi cá rô phi đơn tính, cá chép và trắm cỏ. Thức ăn chủ yếu từ lá, thân cây chuối, cỏ trồng xung quanh ao và vườn nhà, thi thoảng bổ sung thêm cám để thúc cá mau lớn. Với lợi thế nuôi bằng nguồn nước sạch nên mỗi lần thu hoạch cá, gia đình anh tiêu thụ rất nhanh thông qua mạng xã hội zalo, facebook.

Cùng với phát triển ao nuôi, nhiều hộ dân đã lựa chọn hình thức nuôi cá ở ruộng, sau khoảng 3 tháng là có thể thu hoạch. Từ chỗ nuôi để cung cấp thêm thực phẩm cho gia đình thì nay một số hộ đã mở rộng quy mô lên thành sản phẩm hàng hóa.

Đối với diện tích mặt nước lớn, một số địa phương đã phát triển nuôi cá lồng. Đến nay, toàn tỉnh có 46 lồng nuôi cá tại các hồ Bản Chang (Ngân Sơn), Bản Vài (Ba Bể), Thôm Trào (Chợ Mới), Khuổi Khe (Na Rì)…, sản lượng trung bình khoảng 74 tấn/năm. Các lồng cá được làm bằng khung kẽm chắc chắn có thể tích 50m3 trở lên, thay thế cho lồng làm bằng tre nứa trước đây. Tiếp đó, diện tích nuôi cá chủ yếu tại các ao đắp ngăn khe quy mô nhỏ ở hầu hết các địa phương. Cùng với đó, phong trào chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi thủy sản phát triển rất mạnh. Với hệ thống kênh mương thủy lợi ngày càng hoàn thiện đã chủ động được nguồn nước sạch từ khe, suối, tạo điều kiện thuận lợi để người dân nhiều địa phương cải tạo ruộng thành ao, nuôi cá hàng hóa.

Cùng với đó, một số doanh nghiệp đầu tư vào nuôi cá hồi, cá tầm góp phần vào phát triển kinh tế và tăng thêm cơ cấu giống loài nuôi mới. Đến nay, toàn tỉnh có 02 cơ sở nuôi cá nước lạnh, tổng diện tích 1,1ha, sản lượng đạt 7,2 tấn/năm. Tại xã Bằng Phúc, với quy mô khá lớn, người dân đã tận dụng nguồn nước lạnh từ dãy núi Tam Tao để lấy nước nuôi cá. Đầu tư khá bài bản từ hệ thống bể với mái lợp và xử lý nước, quy trình chăm sóc nghiêm ngặt nên chất lượng cá hồi và cá tầm được đánh giá cao, tiêu thụ ổn định tại thị trường Bắc Kạn và Thái Nguyên.

Trên đỉnh Pù Lầu thuộc thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương (Ba Bể) nằm dưới chân núi Phja Bjoóc có nguồn nước sạch, mát lạnh quanh năm, sườn núi có độ dốc cao, nước chảy mạnh rất thích hợp để nuôi cá tầm, cá hồi. Nhận thấy lợi thế này, anh thanh niên người dân tộc Dao Đặng Hành Dũng và gia đình đã bắt tay vào khởi nghiệp. Cơ sở của anh hiện có 4 bể cá, thời điểm nuôi nhiều có tới 4.000 con cá tầm, cá hồi các loại, hiện đã được xuất bán.

Song song với phát triển nuôi thủy sản, Sở NN&PTNT phối hợp với các tổ chức, cá nhân tổ chức thả cá giống tại hồ Khuổi Khe (Na Rì), hồ Bản Chang (Ngân Sơn), hồ thủy điện Thác Giềng và hồ Nặm Cắt (TP. Bắc Kạn) nhằm tăng sản lượng thủy sản tự nhiên, góp phần cân bằng hệ sinh thái thủy sinh. Đồng thời, thường xuyên lấy mẫu nước ao nuôi trồng thủy sản, tập trung vào đối tượng ao nuôi cá rô phi, cá chép, cá trắm cỏ để quan trắc, kiểm soát dịch bệnh hỗ trợ người dân chăn nuôi cá. Các cấp, ngành chức năng cũng tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản như cấm dùng chất nổ, chất độc, xung điện… đánh bắt cá; xây dựng mô hình quản lý nguồn lợi thủy sản tại khu vực hồ Ba Bể, hồ Bản Chang, hồ Khuổi Khe, hồ Thôm Trào, hồ Tân Minh…

Để tiếp tục khai thác tiềm năng phát triển thủy sản, tỉnh Bắc Kạn đang hướng tới phát triển sản phẩm thủy sản an toàn, phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác thủy sản, liên kết tiêu thụ. Theo đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển nuôi thủy sản truyền thống và các loài thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao, giống bản địa, quý hiếm gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Khai thác lợi thế tự nhiên phát triển cá nước lạnh. Phấn đấu đến năm 2030, sản lượng thủy sản toàn tỉnh đạt 2.950 tấn/năm./.

Phan Quý

Xem thêm