Chủ động phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi

Theo dự báo, thời tiết trong vụ đông xuân 2021-2022 sẽ diễn biến phức tạp, không khí lạnh có khả năng hoạt động sớm vào tháng 10, các đợt rét đậm, rét hại làm ảnh hưởng đến chăn nuôi, trồng trọt. Để chủ động ứng phó, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành chức năng chủ động sớm công tác phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi.

Theo đó, các cấp, ngành chức năng và Nhân dân cần nâng cao nhận thức trong công tác phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là chủ động ứng phó kịp thời và triển khai các biện pháp khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất sau rét đậm, rét hại đối với sản xuất nông, lâm nghiệp vụ đông xuân 2021-2022. Cụ thể, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất nông, lâm nghiệp; tăng cường công tác tuyên truyền để người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống rét cho cây trồng, chống đói, rét và dịch bệnh cho vật nuôi, thủy sản; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư sản xuất, thức ăn, chuồng trại, cây giống, con giống; kịp thời ứng phó khi thiên tai xảy ra, đặc biệt là rét đậm, rét hại…

Đàn bò thả rông của người dân thị trấn Phủ Thông cần được bảo vệ ngay từ đầu mùa lạnh.
Đàn bò thả rông của người dân thị trấn Phủ Thông cần được bảo vệ ngay từ đầu mùa lạnh.

Đôn đốc, hướng dẫn nông dân khẩn trương làm đất, chuẩn bị đầy đủ vật tư phân bón, gieo trồng đúng lịch thời vụ, cơ cấu giống; khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích trồng cây màu vụ đông; ưu tiên các chân ruộng đất tốt, chủ động nước để gieo trồng các loại cây như: Khoai tây, khoai lang, rau.. theo khung thời vụ. Trong điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại, hướng dẫn nông dân không gieo trồng trong những ngày nhiệt độ thấp dưới 15°C. Các loại rau màu cần chăm sóc, bón phân đầy đủ, cân đối để cây khoẻ mạnh tăng cường khả năng chống rét; những ngày có sương muối, giá buốt cần tưới nước trên mặt lá làm tan sương để tránh hiện tượng cháy lá khi có ánh nắng.

Đối với mạ xuân, khi gieo cần phải chọn nơi tưới tiêu chủ động, tiện cho chăm sóc và bảo vệ; khi nhiệt độ xuống dưới 15°C phải đảm bảo 100% diện tích mạ được che bằng nilon trắng và đủ độ ẩm trong luống mạ sau khi che; không cấy lúa khi nhiệt độ xuống dưới 15°C… Các đơn vị, địa phương chủ động tích nước hồ chứa, sửa chữa trạm bơm, máy bơm và nạo vét kênh mương để đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng.

Đối với đàn vật nuôi, cần vận động người dân thu gom phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ; thân, lá cây ngô, ngọn lá mía, dây khoai lang, lá sắn, cây lạc… cho trâu, bò; hướng dẫn hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp xử lý, chế biến để dự trữ và nâng cao giá trị dinh dưỡng của thức ăn; tăng cường chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng, nâng cao sức khỏe cho đàn vật nuôi; gia cố, tu sửa, che chắn chuồng trại đảm bảo giữ ấm cho đàn vật nuôi trong mùa đông. Thực hiện tốt công tác tiêm phòng vắc xin định kỳ, vệ sinh, tiêu độc khử trùng định kỳ tại các khu vực chăn nuôi, cơ sở giết mổ, nơi tập trung mua bán động vật và sản phẩm động vật, những nơi có nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh... nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế lây lan dịch bệnh ảnh hưởng đến sản xuất chăn nuôi.

Trong điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại xảy ra, sử dụng các loại vật liệu như: Bạt, bao tải, tấm nilon... để che chắn chuồng trại, giữ nền chuồng sạch và khô để tránh trâu, bò bị cước chân. Khi nhiệt độ xuống dưới 12°C, đưa trâu, bò vào nơi nuôi nhốt để kiểm soát và chăm sóc, bổ sung thức ăn tinh như cám ngô, sắn, cám gạo; dùng chăn cũ, bao tải đay quấn quanh cơ thể gia súc để giữ ấm; sử dụng củi, trấu để đốt nhằm sưởi ấm cho gia súc.

Đối với thủy sản chưa đủ kích cỡ thu hoạch, tiến hành nuôi lưu qua đông cần duy trì mực nước ao trên 1,5m, chủ động nguồn nước vào; nếu nhiệt độ xuống dưới 15°C thì ngừng cho cá ăn; trong suốt thời gian trú đông, không dùng lưới đánh bắt gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cá và có thể dẫn đến cá bị nhiễm bệnh và chết… Đồng thời, thả bèo cho 1/2 đến 1/3 diện tích ao về phía Bắc để chắn gió, hoặc dùng tre làm giàn có bạt, nilon, lá cọ... che phủ để tránh gió lùa, tăng khả năng giữ nhiệt; dưới đáy ao sử dụng các sọt rơm, rạ đã được tưới vôi và phơi khô để làm chỗ trú đông cho cá khi trời rét đậm, rét hại.

Các địa phương cần tổng hợp kịp thời tình hình thiệt hại do rét đậm, rét hại, dịch bệnh của cây trồng, vật nuôi, báo cáo UBND tỉnh để có biện pháp chỉ đạo kịp thời; chủ động sử dụng nguồn kinh phí dự phòng và những nguồn kinh phí hợp pháp khác để hỗ trợ thiệt hại sản xuất cho các hộ gia đình. Cùng với đó, các cơ quan truyền thông cần tăng cường thời lượng phát sóng, thông tin truyền thông về diễn biến thời tiết; tuyên truyền các biện pháp kỹ thuật phòng, chống rét cho cây trồng; phòng, chống đói, rét, thiên tai, dịch bệnh cho đàn vật nuôi và thủy sản.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chợ Mới Bùi Nguyên Quỳnh cho biết: Hiện tổng đàn trâu, bò, ngựa của huyện khoảng hơn 5.000 con; dê hơn 4.000 con… Ngay từ cuối tháng 10, huyện đã ban hành phương án phòng, chống rét cho cây, trồng vật nuôi, khuyến cáo bà con tích trữ rơm khô, chuẩn bị thức ăn tinh cho trâu, bò. Đồng thời, phân công cán bộ chuyên môn xuống tận thôn, bản để tuyên truyền hướng dẫn bà con phòng, chống rét cho trâu, bò. Cùng với đó, ý thức của người dân đã được nâng cao, do vậy công tác phòng, chống rét cho vật nuôi cơ bản được chủ động, sẵn sàng ứng phó khi có rét đậm, rét hại xảy ra./.

Phan Quý

Xem thêm