Bạch Thông chủ động phòng, chống rét cho đàn trâu, bò

Với tinh thần phòng hơn chống, ngay từ thời điểm này, huyện Bạch Thông đã tích cực triển khai các biện pháp bảo vệ đàn gia súc trong mùa đông, đặc biệt là tại các thôn, bản vùng cao.

Bạch Thông chủ động phòng, chống rét cho đàn trâu, bò ảnh 1

Người dân xã Sỹ Bình (Bạch Thông) chủ động nguồn thức ăn cho bò trong mùa đông.

Từ năm 2019 trở lại đây, số lượng trâu, bò bị chết rét trên địa bàn huyện Bạch Thông giảm đáng kể. Sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo và thay đổi trong nhận thức của người dân chính là nhân tố giúp Bạch Thông bảo vệ tốt đàn gia súc. Kinh nghiệm cho thấy, nếu huy động được hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, vận động một cách tích cực, chủ động sẽ mang lại chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân. Vì thế, ngay từ thời điểm lúa mùa trỗ bông, cũng là lúc thời tiết chuyển mùa, huyện đã chỉ đạo các địa phương vận động người dân chủ động thực hiện biện pháp phòng, chống rét cho gia súc. Trong đó tập trung tu sửa lại chuồng nuôi, chăm sóc diện tích cỏ trồng, đặc biệt là phải thu gom rơm rạ làm nguồn thức ăn dự trữ cho gia súc khi thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài.

Đợt dịch bệnh viêm da nổi cục xuất hiện lần đầu ở xã Vũ Muộn, đàn bò của gia đình bà Đinh Thị Tuy, thôn Tốc Lù có 01 con mắc bệnh. Theo chỉ dẫn của cán bộ thú y, bà Tuy đã nhanh chóng cách ly con bò bị bệnh, quan tâm sức khỏe, chế độ dinh dưỡng cho những con còn lại nhằm tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi, bởi đây là nguồn thu nhập chính của gia đình. Bà Tuy cho biết, trong điều kiện thời tiết chuyển mưa rét thì việc chăm sóc kỹ, tích trữ đủ thức ăn cho gia súc là rất quan trọng, nhất là đối với vật nuôi đã bị mắc bệnh.

Còn đối với gia đình bà Ma Thị Tây, thôn 1A Nà Loạn, xã Sỹ Bình, việc tích trữ rơm rạ cho gia súc trong mùa đông đã trở thành thói quen. Sau khi thu hoạch xong lúa mùa, bà thu gom toàn bộ rơm rạ mang về nhà bảo quản cẩn thận làm thức ăn cho 10 con bò trong những ngày đông giá rét. Ngoài ra, bà còn trồng thêm cỏ voi và ngô làm thức ăn bổ sung cho đàn bò.

Vào mùa đông, nhiệt độ ngoài trời ở xã Cao Sơn xuống rất thấp, trong khi trước đây nhiều hộ vẫn thả rông trâu, bò khiến gia súc bị chết rét. Nhưng tình trạng trên dần được khắc phục khi các cấp, ngành chức năng của huyện và xã tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của bà con. Việc chuyển từ chăn thả tự nhiên sang nuôi nhốt đem lại nhiều lợi ích cho người dân, nhất là khi nhiệt độ xuống thấp.

Đồng chí Đặng Thị Hằng- Phó Chủ tịch UBND xã Cao sơn cho biết: "Nhận thức được tầm quan trọng của công tác phòng, chống rét cho gia súc, trong các cuộc họp giao ban gần đây, xã luôn quán triệt cán bộ chuyên môn và đội ngũ trưởng thôn về nhiệm vụ này. Đến nay, diện tích lúa mùa của xã đã thu hoạch xong, nhiều hộ dân chủ động thu gom tích trữ rơm rạ làm thức ăn cho trâu, bò. Điều khiến địa phương quan tâm, lo lắng nhất chính là việc chăm sóc, bảo vệ số gia súc từng bị bệnh viêm da nổi cục trong mùa đông tới. Bởi sau khi khỏi bệnh, sức đề kháng của gia súc bị suy giảm khiến chúng có nguy cơ bị chết khi thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài. Vì thế, xã đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn vận động người dân phải che chắn chuồng nuôi, tăng cường dự trữ thức ăn và tích cực chăm sóc để gia súc nhanh chóng hồi phục sức khoẻ".

Đồng chí Trịnh Tiến Sơn- Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bạch Thông cho biết: "Để bảo vệ tốt đàn trâu, bò gần 5.000 con trong mùa đông, ngay từ tháng 10, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch phòng, chống rét cho gia súc. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đã giúp nâng cao nhận thức của người dân. Điều này được thể hiện rất rõ qua việc người dân đã chủ động thu gom rơm rạ và nguồn thức ăn dự trữ khác trong mùa đông. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ dân, nhất là ở vùng cao, chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc phòng, chống rét cho gia súc. Nhiệm vụ đặt ra đối với các cấp, ngành chức năng cùng hệ thống chính trị toàn huyện là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân vùng cao thực hiện tốt việc phòng, chống rét, bảo vệ gia súc trong mùa đông"./.

X.N

Xem thêm