Bắc Kạn vào vụ thu hoạch dong riềng

Năm 2021, toàn tỉnh trồng được 465ha dong riềng, đạt 93% kế hoạch, trong đó diện tích thâm canh gắn với liên kết tiêu thụ là 330ha. Hiện nay, các vùng trọng điểm dong riềng của tỉnh đang vào vụ thu hoạch, người dân phấn khởi vì dong riềng được mùa, được giá. 

Dọc tuyến đường Quốc lộ 3B, đoạn qua xã Côn Minh (Na Rì), thời điểm này, nhiều hộ dân đang khẩn trương thu hoạch củ dong riềng trồng trên ruộng cạn. Vừa nhanh tay thu hoạch củ dong, chị Trần Thị Thúy, thôn Chợ A vừa tranh thủ tiếp chuyện chúng tôi: "Gia đình tôi không có nhiều đất canh tác nhưng cũng dành 1.000m2 đất ruộng cạn để trồng dong riềng, năng suất năm nay khá cao, khoảng 08 tấn củ/1.000m. Vợ chồng tôi đào củ dong từ sáng sớm, sau đó cắt gọt sạch và vận chuyển vào xưởng để bán với giá 2.000 đồng/kg.  Do trồng dong trên ruộng sát đường Quốc lộ 3B, gần cơ sở chế biến nên việc chăm sóc, thu hoạch đều rất thuận lợi".

Vợ chồng chị Trần Thị Thúy, thôn Chợ A, xã Côn Minh (Na Rì) đang thu hoạch dong riềng.
Vợ chồng chị Trần Thị Thúy, thôn Chợ A, xã Côn Minh (Na Rì) đang thu hoạch dong riềng.

Tại Hợp tác xã Tài Hoan (xã Côn Minh, Na Rì), hoạt động sản xuất đang nhộn nhịp. Phía ngoài, chiếc xe xúc, nâng liên tục củ dong đưa lên phễu. Củ dong theo dây chuyền chạy qua hệ thống rửa, sau đó nghiền thành bột và lắng qua 3 bể. Phía trong khu sản xuất miến, công nhân tất bật với công việc. Bột được tráng thành bánh, theo dây chuyền vào hệ thống sấy, cuối cùng là qua máy thái thành sợi và mang đi phơi. Miến dong của Hợp tác xã Tài Hoan đã được công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao và xuất khẩu vào thị trường EU. HTX đã đầu tư hệ thống máy nghiền bột, máy chế biến miến, tự động từ khâu tráng bánh, thái sợi và sấy miến, tránh phụ thuộc vào thời tiết.

Ngoài ra, các cơ sở sản xuất lớn, có tiềm lực tài chính như Huấn Liên, Chính Tuyển… cũng đang tăng cường nhân lực, máy móc thiết bị, đẩy mạnh sản xuất để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang đến gần. Hoạt động chế biến từ nghiền bột tới tráng bánh, thái miến tại các cơ sở sản xuất ở Côn Minh đều thực hiện bằng máy móc, do vậy hiệu quả cao hơn rất nhiều so với trước đây. 

Trao đổi với chúng tôi, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Na Rì Hoàng Thị Thu Nguyệt cho biết: Toàn huyện trồng được 344ha dong riềng, năng suất trung bình đạt 737 tạ/ha; có 06 hợp tác xã, cơ sở chế biến miến có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Hiện bà con nông dân đang thu hoạch dong riềng để bán cho các cơ sở sản xuất với giá 2.000 đồng/kg (tại xưởng), đảm bảo đủ nguyên liệu tinh bột phục vụ sản xuất miến  cả năm.

Việc sản xuất chế biến miến dong ở huyện Na Rì ngày càng quy củ, vận động theo cơ chế thị trường. Các cơ sở nhỏ không đủ năng lực phải ngừng hoạt động, các cơ sở lớn có thương hiệu ngày càng phát triển mạnh, hiệu quả cao.

Cơ giới hóa khâu nghiền bột dong tại HTX Tài Hoan (Na Rì).
Cơ giới hóa khâu nghiền bột dong tại HTX Tài Hoan (Na Rì).

Đối với huyện Ba Bể, diện tích trồng dong riềng năm nay chỉ đạt 131ha (giảm 19ha so với kế hoạch). Xã trồng nhiều nhất là Phúc Lộc được khoảng 65ha, tập trung tại 04 thôn đồng bào Dao vùng cao; xã Mỹ Phương, "thủ phủ" dong riềng nhiều năm qua, năm nay chỉ trồng 3,8ha. Do khó vận chuyển nên người dân các xã Yến Dương, Phúc Lộc, không bán củ dong mà tự nghiền bột để bán với giá khoảng 15.000 đồng/kg. Diện tích dong riềng giảm, vì vậy, Cơ sở sản xuất miến Nhất Thiện đã ký hợp đồng thu mua củ dong ở xã Xuân La (Pác Nặm) và thu mua thêm củ dong ở Phia Đén (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) để đảm bảo duy trì sản xuất. Ngoài ra, Cơ sở cũng thu mua gom bột dong của các cơ sở sản xuất bột ở xã Yến Dương, Phúc Lộc nhằm chủ động nguồn nguyên liệu.

Tới thời điểm hiện nay, theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng, toàn tỉnh đã thu hoạch được 152ha dong riềng, đạt gần 33% diện tích. Thực tế cho thấy, diện tích trồng dong riềng ngày càng giảm sâu, trong khi nhu cầu nguyên liệu để sản xuất miến ngày càng tăng cao do thương hiệu miến Bắc Kạn đã nổi tiếng trên thị trường, sức tiêu thụ mạnh. Việc thất thường trong hoạt động trồng dong riềng, chế biến miến ở tỉnh ta những năm qua cho thấy, kế hoạch, quy hoạch, định hướng, đưa ra chỉ tiêu hằng năm của cơ quan quản lý đối với cây dong riềng cần được chú trọng. Tránh tình trạng người dân phát triển cây dong riềng một cách tự phát, lúc tăng, lúc giảm, bất lợi cho cả người dân và doanh nghiệp sản xuất miến dong./.

                                                                             Phan Quý

Xem thêm