Quản lý hiệu quả hoạt động khoáng sản trên địa bàn

Sau 04 năm thực hiện “Đề án nâng cao hiệu quả quản lý quy hoạch, thăm dò, khai thác, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ khoáng sản, chống thất thu ngân sách từ hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2017-2020”, công tác quản lý khoáng sản đã chuyển biến tích cực, ý thức chấp hành của doanh nghiệp hoạt động khoáng sản được nâng cao.

Triển khai thực hiện Đề án, các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành 05 nghị quyết bổ sung 28 khu vực khoáng sản vào quy hoạch khoáng sản của tỉnh giai đoạn 2013 - 2020, ban hành Nghị quyết số 23/NQ-HĐND ngày 17/7/2020 cho phép kéo dài thời kỳ thực hiện quy hoạch khoáng sản của tỉnh đến thời điểm quy hoạch tỉnh được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, quyết định theo Luật Quy hoạch.

Công ty TNHH Tiên Đàn khai thác vật liệu xây dựng tại xã Đồng Lạc (Chợ Đồn).
Công ty TNHH Tiên Đàn khai thác vật liệu xây dựng tại xã Đồng Lạc (Chợ Đồn).

Giai đoạn 2017 - 2020, UBND tỉnh đã cấp 13 giấy phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng tại 18 khu vực khoáng sản; ban hành 25 quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; cấp 17 giấy phép khai thác khoáng sản các loại. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 49 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, trong đó 10 giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp và 39 giấy phép do UBND tỉnh cấp…

Công tác quản lý sản lượng khoáng sản khai thác của các doanh nghiệp được cơ quan chuyên môn hướng dẫn, đôn đốc thực hiện theo quy định. Thông qua hệ thống trạm cân điện tử và camera đã giám sát khối lượng khoáng sản vận chuyển của các doanh nghiệp, bước đầu mang lại hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành, hệ thống hoạt động tại một số mỏ chưa ổn định, chưa truyền tải đầy đủ thông tin về Trung tâm giám sát do ảnh hưởng của thời tiết, mất điện, mất mạng internet, thiếu nhân lực chuyên môn để vận hành, khắc phục.

Công tác thanh tra, kiểm tra và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác được các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện, xã thực hiện thường xuyên; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương trong quá trình thực hiện, đảm bảo không chồng chéo, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Đến nay, trên địa bàn tỉnh về cơ bản đã kiểm soát hiệu quả tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Tuy nhiên vẫn còn một số địa phương xảy ra khai thác trái phép quy mô nhỏ lẻ tại các vùng sâu xa, đi lại khó khăn.

Cụ thể, Công an tỉnh đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 85 vụ/93 đối tượng vi phạm về hoạt động khoáng sản. Trong đó, xử lý 64 vụ/74 đối tượng vi phạm, khởi tố 02 vụ, 01 bị can về hành vi tàng trữ, vận chuyển vật liệu nổ trái phép để khai thác quặng tại huyện Chợ Đồn; xử lý vi phạm hành chính 30 vụ/41 đối tượng về hành vi khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép với số tiền phạt 77,2 triệu đồng, tịch thu 45,1m3 cát; 2,033 tấn quặng ôxit kẽm, 486,17 tấn quặng sắt, 43,895 tấn than cacbon. UBND các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra hơn 200 lượt, phát hiện xử lý vi phạm hành chính 16 đối tượng; xử phạt 21,4 triệu đồng, thu giữ, tiêu hủy nhiều dụng cụ, máy móc thiết bị...

Từ những giải pháp quản lý hoạt động khoáng sản, công tác thu ngân sách nhà nước đã đạt kết quả tích cực. Cụ thể, năm 2017 số thu đạt 103,2 tỷ đồng; năm 2018 số thu trên 135,3 tỷ đồng; năm 2019 số thu trên 129,7 tỷ đồng; năm 2020 số thu là 121,6 tỷ đồng. Hằng năm, UBND tỉnh phê duyệt đề án ấn định thuế, làm cơ sở cho cơ quan thuế đôn đốc thực hiện theo quy định. Theo đó, số thu từ khoáng sản đã tăng tỷ trọng, góp phần quan trọng hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước hằng năm của tỉnh.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Đề án giai đoạn 2017 - 2020 còn một số hạn chế như: Mục tiêu thu ngân sách chưa đạt; mục tiêu kết cấu hạ tầng, đời sống Nhân dân, môi trường tại các khu vực có hoạt động khoáng sản chưa được cải thiện. Ngoài ra, một số doanh nghiệp hoạt động khoáng sản trên địa bàn chưa chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, quy mô hoạt động còn manh mún, nhỏ lẻ. Một số nơi thuộc các huyện: Chợ Đồn, Ngân Sơn, Na Rì và Chợ Mới còn xảy ra hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép, chính quyền địa phương chưa có biện pháp xử lý triệt để. Việc lắp đặt trạm cân, camera giám sát sản lượng khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường chưa được các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện; hệ thống camera hoạt động chưa ổn định, liên tục, thông suốt và chưa truyền tải được đầy đủ thông tin về Trung tâm giám sát. Một số doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ tài chính theo Đề án ấn định thuế và chưa nộp đầy đủ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định, như: Mỏ sắt Pù Ổ, xã Đồng Lạc, huyện Chợ Đồn của Công ty Cổ phần khoáng sản Na Rì Hamico…

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nói chung, các doanh nghiệp khó khăn về tài chính, vốn đầu tư; một số mỏ khoáng sản có cấu trúc địa chất thủy văn phức tạp, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động khai thác; một số doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất bị đình trệ, không tiêu thụ được sản phẩm, ảnh hưởng đến việc nộp ngân sách nhà nước và đời sống người lao động…

Mặc dù còn hạn chế, nhưng có thể thấy, sau 04 năm thực hiện Đề án, công tác quản lý khoáng sản của tỉnh đã có bước chuyển biến tích cực, ý thức chấp hành của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản được nâng cao, nhất là trách nhiệm nộp ngân sách nhà nước; ngăn ngừa, đẩy lùi hiệu quả tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển khoáng sản trái pháp luật./.

Phan Quý

Xem thêm