Pác Nặm chủ động phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi

Thời gian qua, ngành chăn nuôi của huyện Pác Nặm chịu tác động lớn của bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò và bệnh dịch tả lợn châu Phi. Địa phương đang thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch và triển khai phương án khôi phục tổng đàn, phát triển chăn nuôi.

Pác Nặm chủ động phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi ảnh 1

Huyện Pác Nặm tiếp tục áp dụng chính sách cho vay vốn ưu đãi để người dân phát triển chăn nuôi.

Ông Sằm Văn Hoạt- Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: Ngay sau khi trên địa bàn xảy ra dịch tả lợn châu Phi và bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp cùng địa phương và hộ chăn nuôi tiến hành các biện pháp chống dịch theo quy định. Đối với trâu, bò huyện đã tiến hành tiêm phòng vắc xin viêm da nổi cục xong hai đợt với gần 3.700 liều; phun 1.600 lít thuốc khử trùng tiêu độc. Đối với dịch tả lợn châu Phi, do chưa có vắc xin đặc trị nên huyện tăng cường hướng dẫn người dân các biện pháp phòng ngừa.

Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò thời gian qua đã lây lan tại 42 thôn bản của 06 xã gồm: Nhạn Môn, An Thắng, Công Bằng, Giáo Hiệu, Nghiên Loan, Cổ Linh, tổng số gia súc bị mắc bệnh là 907 con. Trong đó số bị chết là 71 con /12.349kg, số con đã khỏi là 749, số con đang theo dõi, điều trị là 87. Dịch tả lợn châu Phi tái phát, lây lan tại 06 thôn của 03 xã gồm Xuân La, Bằng Thành, Công Bằng với 31 hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng. Tổng số lợn chết, buộc tiêu hủy 277 con, tổng trọng lượng 11.686kg.

Đến nay, tình hình bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã cơ bản được khống chế, không phát sinh ca nhiễm mới. Trong đó, có 3 xã đã qua 21 ngày không phát sinh dịch và công bố hết dịch là An Thắng, Giáo Hiệu và Nghiên Loan. Dịch tả lợn châu Phi đến nay không có ca mới phát sinh. Trong đợt dịch tả lợn châu Phi vừa qua, xã Xuân La có 04 thôn với 06 hộ chăn nuôi có lợn bị mắc bệnh, số bị chết và tiêu hủy là 38 con, tổng khối lượng trên 1,8 tấn. Gia đình ông Cà Văn Luận, thôn Thôm Mèo, xã Xuân La có 06 con lợn thịt, 02 lợn nái mẹ bị thiệt hại do nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Hiện gia đình ông đã tiến hành các biện pháp khử trùng tiêu độc theo hướng dẫn. Ông và các hộ bị thiệt hại do dịch bệnh đang mong muốn được Nhà nước hỗ trợ để tiếp tục khôi phục chăn nuôi.

Theo báo cáo của huyện Pác Nặm, đến nay tổng đàn đại gia súc của huyện có 16.881 con, tổng đàn lợn có 43.000 con, đàn dê có 2.716 con, đàn gia cầm đạt 206.250 con. Hiện trên địa bàn huyện có trên 70 hộ dân phát triển mô hình kinh tế gia trại, trang trại với quy mô nhỏ, chủ yếu chăn nuôi trâu, bò, ngựa, lợn, gà. Ảnh hưởng của dịch Covid-19, bệnh viêm da nổi cục và dịch tả lợn châu Phi đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.

Đồng chí Ma Văn Tuấn- Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: "Huyện đã chỉ đạo tạm dừng các hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ gia súc trong phạm vi những xã có dịch; đồng thời ban hành các quyết định công bố dịch, quyết định công bố hết dịch bệnh theo quy định. Tiếp tục thống kê, rà soát các hộ chăn nuôi bị thiệt hại để có phương án hỗ trợ kịp thời. Chỉ đạo ngành chuyên môn hướng dẫn hộ chăn nuôi tái đàn theo hướng an toàn".

Huyện Pác Nặm đang tập trung hướng dẫn người dân các biện pháp cách ly, điều trị tích cực cho vật nuôi, phun khử trùng tiêu độc chuồng trại theo quy định. Công tác tiêm phòng định kỳ được tăng cường chỉ đạo thực hiện. Khuyến khích các địa phương tái đàn theo quy mô trang trại, đảm bảo điều kiện an toàn dịch bệnh.

Mặc dù huyện đã có nhiều nỗ lực, nhưng không ít hộ chăn nuôi vẫn còn lúng túng, chưa có quy trình, biện pháp hiệu quả để khôi phục chăn nuôi, khiến dịch bệnh có nguy cơ quay trở lại. Do vậy bên cạnh công tác khử trùng, tiêu độc và tiêm phòng định kỳ, bà con cần lựa chọn con giống sạch, không tái đàn ồ ạt, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học vào sản xuất./.

Nguyễn Nghĩa

Xem thêm