Mở rộng và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu

Những năm gần đây, thị trường xuất khẩu của tỉnh Bắc Kạn đã có sự chuyển dịch, nhưng nhìn chung khả năng cạnh tranh của nhiều nhóm hàng hóa còn ở mức độ thấp. Từ thực tế này, nhiều giải pháp đã được tỉnh nghiên cứu và từng bước đưa vào triển khai thực hiện.

Tỉnh Bắc Kạn mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm hàng hóa của địa phương.
Tỉnh Bắc Kạn mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm hàng hóa của địa phương.

Hoạt động xuất khẩu có chuyển biến tích cực

Những năm trở lại đây, tỉnh Bắc Kạn đã tích cực tham gia tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhờ đó, hoạt động xuất nhập khẩu đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân.

Để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó tập trung vào phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát triển thị trường, xúc tiến thương mại; hoàn thiện chính sách thương mại, tài chính, tín dụng và đầu tư phát triển sản xuất hàng hóa xuất khẩu; nghiên cứu đánh giá trên cơ sở khoa học để xác định rõ danh mục các mặt hàng xuất khẩu thực sự có tiềm năng, có lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ trong bối cảnh mới của thị trường thế giới nhằm định hướng cho các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu…

Nhờ vậy, năm 2020, mặc dù còn một số tồn tại, hạn chế do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và thiên tai, nhưng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã có sự tăng trưởng bứt phá và có xu hướng ngày càng tăng; kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 7,5 triệu USD, tăng 250% so với kế hoạch và tăng 32,75 lần so với năm 2015. Tổng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2021 đạt 12,1 triệu USD, gấp 5,6 lần so với cùng kỳ năm 2020 và đạt 400% kế hoạch năm 2021. Dự ước cả năm 2021, kim ngạch xuất khẩu đạt 14 triệu USD, tăng 86% so với thực hiện năm 2020, đạt 466% kế hoạch năm 2021.

Hiện nay, Bắc Kạn đã có một số sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Cộng hòa Séc như: Bột canxi cacbonat, gỗ dán ép, đũa gỗ, chuối, quả mơ, gừng đã qua sơ chế, miến dong, kim loại chì, kẽm… Bước đầu, những sản phẩm này đã đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng của thị trường các nước.

Bên cạnh những mặt đạt được, hoạt động xuất khẩu cũng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Kim ngạch xuất khẩu đạt thấp, không ổn định qua các năm; các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu còn hạn chế cả về quy mô và số lượng; thị trường xuất khẩu còn nhỏ hẹp, mặt hàng xuất khẩu còn đơn điệu, nhiều sản phẩm chưa đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu…

Mở rộng thị trường xuất khẩu

Giai đoạn 2021 - 2025, với sự ra đời của các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia đã có hiệu lực như: Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA và các nước trong khối ASEAN… đã tạo nhiều cơ hội, tiềm năng cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong đó có Bắc Kạn vào các nước đối tác. Do vậy, thời gian tới, để tận dụng tối đa các ưu đãi, lợi thế của các nước nằm trong khối ASEAN và các nước nằm trong các Hiệp định thương mại tự do trên, Bắc Kạn xác định đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của địa phương.

Giai đoạn 2021 - 2025, Bắc Kạn phấn đấu:

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh tăng bình quân từ 10%/năm trở lên, đến năm 2025 kim ngạch xuất khẩu đạt từ 20 triệu USD trở lên.

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu: Nhóm hàng công nghiệp chiếm tỷ trọng cao với khoảng 90% tổng kim ngạch xuất khẩu; nhóm hàng nông sản chế biến chiếm 10%.

Các mặt hàng chủ lực: Tập trung vào các nhóm, ngành hàng có lợi thế về nguyên liệu, có giá trị gia tăng cao như các sản phẩm từ gỗ (bàn, ghế, thanh chi tiết, ván dán, đũa, thìa, dĩa gỗ dùng một lần…); nông sản đã qua chế biến tinh (miến dong, rau, củ, quả, gừng, nghệ, kiệu); khoáng sản chế biến (kim loại chì, kẽm, bột đá cacbonat...).

Theo đó, trên cơ sở những thị trường sẵn có tỉnh Bắc Kạn tiếp tục củng cố, mở rộng và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, nhất là xuất khẩu vào thị trường các nước tham gia các FTA như CPTPP, EVFTA và UKVFTA… Đồng thời chủ động, tích cực tham gia vào chuỗi giá trị hàng hoá toàn cầu nhằm tăng năng lực sản xuất và xuất khẩu hàng hoá.

Riêng đối với thị trường châu Mỹ, tiếp tục duy trì và phát triển các phân phối để đưa hàng vào thị trường này. Chú trọng thâm nhập thị trường Mỹ thông qua các khu phố, siêu thị và chợ, nơi có cộng đồng người Việt sinh sống. Tiếp tục hỗ trợ tổ chức các đoàn đi hội chợ, triển lãm quốc tế chuyên ngành để khảo sát thị trường tìm đối tác, bạn hàng, tăng cường giao lưu, kết nối, hợp tác giữa các doanh nghiệp và thúc đẩy xuất khẩu của tỉnh sang thị trường châu Mỹ. Tận dụng có hiệu quả lộ trình giảm thuế của Hiệp định CPTPP đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường châu Mỹ, đặc biệt là các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh như mặt hàng gỗ, nông sản chế biến.

Đối với thị trường châu Âu thì đẩy mạnh công tác xúc tiến xuất khẩu sang thị trường EU. Trong đó chủ động hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác thông qua việc tổ chức hội chợ, triển lãm và hội thảo chuyên đề tại Việt Nam và EU. Tận dụng ưu đãi từ Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ năm 2020 để thúc đẩy xuất khẩu các nhóm hàng mà thị trường EU có nhu cầu nhập khẩu và có lợi thế so sánh như nông sản chế biến…

Còn về thị trường Trung Quốc, tiếp tục cập nhật, cung cấp các quy định mới về nhập khẩu từ phía Trung Quốc cho các doanh nghiệp xuất khẩu, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục liên quan đến xuất khẩu. Củng cố và đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng đang xuất khẩu và đã đứng chân được tại thị trường Trung Quốc; từng bước nâng cao chất lượng, tăng hàm lượng chế biến, giảm xuất khẩu thô, tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu.

Đồng thời tiếp tục tăng cường hoạt động giao thương giữa doanh nghiệp của tỉnh với doanh nghiệp của Nhật Bản, Hàn Quốc nhằm mục đích kết nối doanh nghiệp, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp của tỉnh đẩy mạnh xuất khẩu vào hai thị trường này. Tham gia vào các kênh thương mại điện tử, mua bán qua mạng để tận dụng cơ hội giới thiệu sản phẩm, tiết kiệm chi phí giao dịch... Thâm nhập vào các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc./.

Lưu Bích

Xem thêm