Kinh tế nông, lâm nghiệp phát triển ổn định

Mặc dù gặp nhiều khó khăn như thiên tai, dịch bệnh... tuy nhiên, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân, hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp 9 tháng đầu năm 2021 của tỉnh Bắc Kạn vẫn đạt mục tiêu đề ra, góp phần đưa giá trị gia tăng sản xuất nông nghiệp tăng 74 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020, tăng trưởng ước đạt 3,5%.

Kinh tế nông, lâm nghiệp phát triển ổn định ảnh 1
Nông dân xã Thượng Ân (Ngân Sơn) khẩn trương thu hoạch lúa mùa sớm.

Từ đầu năm đến nay, sản xuất nông, lâm nghiệp diễn ra trong điều kiện thời tiết thất thường, mưa lũ dông lốc gây hại về lúa, hoa màu lúc đầu vụ, sau khi khắc phục, năng suất cây trồng vẫn đạt khá. Mặc dù dịch bệnh trên đàn vật nuôi tiếp tục bùng phát và lây lan, tuy nhiên các địa phương đã chỉ đạo khôi phục sản xuất, bước đầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp mang lại hiệu quả. Các mô hình sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, quy mô tập trung, sản xuất theo chuỗi giá trị được các địa phương triển khai, nhân rộng như khoai tây, ngô ngọt, bí xanh thơm, dong riềng, rau cải Nhật, củ kiệu…; chuyển đổi cây trồng, giống vật nuôi, sử dụng đất có hiệu quả hơn. Sản phẩm ngày càng nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí, mang lại hiệu quả kinh tế trong sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh.

Thông qua các mô hình trình diễn giống mới, tỉnh đã xác định và chọn lọc được cơ cấu giống phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương. Cơ giới hóa trong sản xuất ngày càng được đẩy mạnh như: Làm đất, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển, sơ chế bảo quản... Các hoạt động dịch vụ, phục vụ sản xuất được tăng cường; triển khai thực hiện tốt dịch vụ tưới tiêu đảm bảo đủ nước cho gieo cấy và chăm sóc cây trồng; hệ thống phân phối dịch vụ về vật tư, giống, phân bón, thuốc BVTV đến người dân đảm bảo yêu cầu cho sản xuất. Công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng được tăng cường, các hành vi vi phạm được lực lượng Kiểm lâm phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh, đúng quy định, không để tồn đọng, kéo dài thành điểm nóng.

Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp của tỉnh, huyện, các chương trình, dự án tiếp tục được thực hiện và có vai trò tích cực trong hỗ trợ sản xuất hàng hóa, xây dựng chuỗi sản xuất liên kết với nhiều sản phẩm phong phú, đặc trưng, được thị trường ưa chuộng. Mặc dù một số diện tích cây trồng chính thực hiện không đạt kế hoạch giao (cây thuốc lá, dong riềng, khoai môn...). Tuy nhiên người dân đã chủ động chuyển sang trồng các loại cây trồng khác theo nhu cầu thị trường, có giá trị kinh tế cao hơn, như: Cây thạch đen, cây dưa hấu, dưa lê, cây bí, cây dược liệu... việc chuyển đổi này vẫn đảm bảo diện tích gieo trồng theo kế hoạch giao.

Thời điểm hiện nay, nhiều địa phương vùng cao đang thu hoạch lúa mùa sớm để chuẩn bị trồng cây vụ đông. Tổng diện tích trồng cây lương thực có hạt ước đạt 37.198ha, bằng 101% kế hoạch. Dự ước sản lượng lương thực có hạt năm 2021 đạt 179.504 tấn, đạt 101% kế hoạch, bằng 100% so với cùng kỳ năm 2020, lương thực bình quân ước đạt 562kg/người/năm, bằng 102% kế hoạch. Diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa 173/167ha; duy trì hiệu quả diện tích đã chuyển đổi từ năm 2018 - 2020 là 1.725/1.852ha.

Diện tích trồng cây công nghiệp (đậu tương, lạc, thuốc lá, mía, gừng, nghệ, chè, bí, dưa, khoai tây...) đạt 4.458/4.441ha, tổng sản lượng ước đạt 27.193/25.267 tấn, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2020. Hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng được duy trì, khẳng định khi 3.340/3.460ha đất ruộng, soi bãi đạt 100 triệu đồng trên héc-ta trở lên. Trong đó, cây bí xanh, khoai tây, dưa hấu... đạt năng suất cao, giá ổn định khiến cho bà con nông dân rất phấn khởi.

Kinh tế nông, lâm nghiệp phát triển ổn định ảnh 2
Bí xanh Ba Bể được mùa, được giá.

Diện tích cây ăn quả hiện có 6.881ha, trong đó diện tích cho thu hoạch 5.106ha, tổng sản lượng ước đạt 52.321 tấn, đạt 109% kế hoạch. Hiện nay, ở các Chợ Đồn, Ba Bể, Ngân Sơn, Na Rì đang tích cực thu hoạch hồng không hạt. Toàn tỉnh hiện có 747ha hồng không hạt, trong đó có 467ha đã cho thu hoạch, năng suất ước đạt 49,6 tạ/ha, giá bán từ 20.000 - 25.000 đồng/kg tại vườn. Đồng thời, các vùng trọng điểm chuyên canh cây cam, quýt ở Bạch Thông cũng chuẩn bị vào vụ thu hoạch...

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn. Cụ thể như, dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất, tiêu thụ hàng nông sản. Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tái phát, giá thức ăn tăng cao gây ảnh hưởng lớn đến công tác tái đàn và tâm lý người chăn nuôi. Năm 2021, Trung ương chưa ban hành cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh DTLCP, do vậy tại các địa phương tái phát dịch chưa được hỗ trợ kinh phí đối với các hộ có lợn bị tiêu hủy. Tỷ lệ tiêm phòng các loại vắc xin còn thấp so với kế hoạch đề ra. Nguyên nhân chủ yếu do các hộ chăn nuôi chưa có ý thức trong công tác phòng, chống dịch bệnh, chưa chấp hành việc tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi. Công tác tiêm phòng cho động vật chủ yếu giao cho lực lượng thú y viên cơ sở thực hiện, trong khi đó thú y viên phải kiêm nhiệm thêm các nhiệm vụ khác, một số thú y viên kiêm nhiệm còn thiếu trình độ chuyên môn.

Do quy mô nhỏ nên một số doanh nghiệp, HTX chưa tiếp cận được với cơ chế, chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh vì không đạt tiêu chí hỗ trợ. Chuỗi liên kết sản xuất với tiêu thụ, mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp an toàn được quan tâm nhưng phát triển chưa mạnh. Đơn cử như việc các HTX hợp tác với người dân sản xuất, tiêu thụ lúa Japonica ở hai huyện Chợ Đồn và Bạch Thông đều không đạt kết quả do sau khi thu hoạch, người dân không bán... Năng suất nhiều loại cây trồng tăng, nhưng còn thấp so với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Các vùng chuyên canh cây trồng, vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung bước đầu đã hình thành, nhưng việc tổ chức thực hiện còn nhiều khó khăn, nhất là việc đầu tư hạ tầng.

Công tác trồng rừng đạt kết quả tốt với 4.979ha, đạt 139% kế hoạch. Tuy nhiên, tình hình vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng vẫn còn xảy ra; năng suất và giá bán của rừng trồng thấp, chi phí vận chuyển cao, rừng trồng gỗ lớn chưa nhiều, chi phí tái trồng rừng cao, nên hiệu quả kinh doanh rừng trồng còn thấp, chưa thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư. Hiện nay các chương trình, dự án chưa được giao vốn để thực hiện. Mặc dù các cấp, ngành đã rất cố gắng, sát sao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, ưu tiên tập trung nguồn lực hỗ trợ 06 xã kế hoạch đạt chuẩn nông thôn mới, tuy nhiên tiến độ thực hiện 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới vẫn còn chậm; một số xã khó khăn về huy động nguồn lực thực hiện hoàn thành tiêu chí số 9 (nhà ở dân cư)…

Dẫu còn khó khăn, hạn chế nhưng hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp 9 tháng đầu năm vẫn đạt mục tiêu đề ra. Những tháng cuối năm, toàn tỉnh sẽ tập trung thu hoạch vụ mùa và sản xuất các loại cây trồng vụ đông theo hướng thâm canh, tăng năng suất, chất lượng cây trồng, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2021./.

Phan Quý

Xem thêm