Khai thác lợi thế phát triển nông nghiệp hữu cơ

Kỳ 1: Sản xuất hữu cơ trước xu thế thị trường

Xác định sản xuất nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong cơ cấu kinh tế, tỉnh Bắc Kạn đã và đang triển khai thực hiện một số mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Thực trạng sản xuất nông nghiệp của tỉnh

Sản xuất nông nghiệp của tỉnh từng bước phát triển theo hướng hàng hóa.
Sản xuất nông nghiệp của tỉnh từng bước phát triển theo hướng hàng hóa.

Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường giai đoạn 2016 - 2020, sản xuất nông, lâm nghiệp của tỉnh bước đầu phát huy được tiềm năng, phát triển theo đúng định hướng. Tổng sản phẩm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2020 đạt trên 3.986 tỷ đồng, tăng gần 1.041 tỷ đồng so với năm 2016, chiếm tỷ trọng 30,77% trong cơ cấu kinh tế.

Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều nông sản có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ tốt như: Hồng không hạt, miến dong, cam, quýt, gạo Bao thai, Khẩu Nua Lếch, các sản phẩm chế biến từ nghệ, bí xanh thơm, lợn đen, gà địa phương, hồi, quế... Chất lượng sản phẩm đang được chú trọng phát triển đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Một số mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ đang được nghiên cứu thử nghiệm và nhân rộng như: Hợp tác xã Hương Ngàn xây dựng được vùng nguyên liệu sả chanh tại xã Kim Lư (Na Rì) với diện tích gần 2ha, được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Nhiều đề tài/dự án khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp có nội dung sản xuất theo hướng hữu cơ triển khai hiệu quả như: “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cải tạo và phát triển vùng sản xuất chè hàng hóa tại tỉnh Bắc Kạn”, “Xây dựng mô hình phục tráng bí xanh thơm Ba Bể, đảm bảo năng suất cao, chất lượng tốt”. Các mô hình sản xuất hữu cơ đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho đơn vị sản xuất và người dân khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn còn có một số hạn chế như: Tăng trưởng dựa vào quy mô, giá trị gia tăng trong sản xuất thấp; chuỗi giá trị gắn kết với thị trường xây dựng được thương hiệu chưa nhiều; các sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ rất ít; quy mô sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh mún, tốc độ chuyển dịch nội bộ ngành chậm, các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn còn hạn chế; sản lượng mỗi loại sản phẩm chưa nhiều, chất lượng và giá trị gia tăng chưa cao, mẫu mã bao bì thô sơ; tỷ lệ sản phẩm chưa được công nhận đảm bảo an toàn thực phẩm cao...

Trước mục tiêu phát triển nông nghiệp hàng hóa, hướng tới xuất khẩu nông sản, mà yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước cơ bản là sản phẩm hữu cơ, tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng "Kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030" với nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực.

Tiềm năng và thách thức

Tỉnh Bắc Kạn có sự đa dạng về địa hình, khí hậu và đất đai thích hợp với nhiều loại cây trồng nông, lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao. Tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước (73,4%), không khí, nguồn nước, đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa bị ô nhiễm, ít trải qua quá trình sản xuất thâm canh. Một số loài cây trồng nông, lâm nghiệp, công nghiệp chưa bị tác động bởi hóa chất bảo vệ thực vật và phân bón. Cùng với đó, Đảng, Nhà nước và tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, trong đó có phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Cơ sở hạ tầng sẵn có về thủy lợi, hệ thống chợ, giao thông; sự phát triển của kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại; hệ thống các kênh tiêu thụ đa dạng... góp phần tích cực thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Nguồn lao động với nhiều kinh nghiệm sản xuất theo phương thức truyền thống cũng là một lợi thế lớn trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp được phát huy tốt tạo động lực sản xuất. Từ những thuận lợi trên, một số doanh nghiệp đã quan tâm, đầu tư vào sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch sinh thái.

Hiện nay, nhiều sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đã được chứng nhận quốc tế và xuất khẩu, mang lại giá trị kinh tế cao là một động lực lớn để phát triển nông nghiệp hữu cơ. Song, đối với tỉnh ta, sản xuất nông nghiệp hữu cơ đứng trước những khó khăn, thách thức như: Kinh phí chứng nhận sản phẩm hữu cơ cao, vật tư đầu vào trong sản xuất hữu cơ lớn; chưa có quy trình cụ thể thống nhất về sản xuất hữu cơ đối với các loại cây trồng. Ngoài ra, tập quán sản xuất tự do, chưa quen với quy trình chặt chẽ, không giữ cam kết theo hợp đồng; thói quen trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước; quy mô sản xuất nhỏ lẻ, diện tích nhỏ, khó khăn trong tập trung diện tích sản xuất, nhu cầu vốn đầu tư cho sản xuất còn hạn chế… Đây là những rào cản lớn cần sớm có giải pháp tháo gỡ để Bắc Kạn có thể khai thác tốt tiềm năng, lợi thế nhằm phát triển bền vững ngành Nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nâng cao giá trị gia tăng.

Cùng với đó, công tác tuyên truyền về sản xuất hữu cơ chưa đồng bộ bài bản, kiến thức về sản xuất nông nghiệp hữu cơ của đội ngũ cán bộ kỹ thuật các cấp còn hạn chế. Năng suất cây trồng và vật nuôi từ sản xuất nông nghiệp hữu cơ thấp do nguyên tắc của nông nghiệp hữu cơ chỉ được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón có nguồn gốc sinh học, hữu cơ nhưng tác dụng của các chế phẩm đó đối với sự sinh trưởng và phòng, tránh dịch bệnh chưa hiệu quả như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thông thường, dẫn tới năng suất của cây trồng khi áp dụng sản xuất hữu cơ thường thấp hơn. Chính vì thế, các doanh nghiệp, hợp tác xã chưa mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ… (Còn nữa).

Phan Quý

Xem thêm