Hội nghị trực tuyến khối Công thương địa phương

Chiều 15/10, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị trực tuyến khối Công thương địa phương, nhằm đánh giá tình hình hoạt động 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ, giải pháp 3 tháng cuối năm 2021. Dự tại điểm cầu Bắc Kạn có lãnh đạo Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh, UBND các huyện, thành phố và đại diện một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Dự tại điểm cầu Bắc Kạn có  lãnh đạo Sở Công thương và đại diện các ngành, huyện, thành phố và các phòng chuyên môn trực thuộc Sở Công thương.
Hội nghị trực tuyến khối Công thương địa phương.

Trong bối cảnh dịch Covid- 19 còn diễn biến phức tạp, kinh tế-xã hội nước ta trong 9 tháng đầu năm vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương 1,42%, an sinh xã hội được đảm bảo, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Các cơ quan ở Trung ương, địa phương thực hiện tốt, có hiệu quả công tác phòng, chống dịch. Duy trì cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của Nhân dân. Hoạt động sản xuất công nghiệp tăng trưởng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên trước tác động của dịch bệnh Covid- 19 và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, một số doanh nghiệp đã hoạt động cầm chừng, hoặc ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Đối với lĩnh vực thương mại, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước đạt 3.367,7 nghìn tỷ đồng, giảm 7,1% so với cùng kỳ. 44/63 địa phương đạt mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ. Trong hoạt động xuất nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước ước tính đạt 240,52 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 242,65 tỷ USD, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong công tác quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố đã chủ động phối hợp với các ngành, các cơ quan liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nguyên vật liệu, vật tư phục vụ sản xuất, vận chuyển nông sản. Tăng cường phối hợp giữa các lực lượng chức năng nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, định giá hàng hóa bất hợp lý. Trong 9 tháng, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 55.560 vụ, phát hiện, xử lý 33.505 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 257 tỷ đồng.

Trong quý IV, trường hợp dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động sản xuất được khôi phục trở lại, dự kiến xuất khẩu cả năm 2021 tăng 10,7%, chỉ số IIP của toàn ngành công nghiệp cả năm phấn đấu tăng khoảng 5-6%... Để đạt mục tiêu đề ra, ngành Công thương tiếp tục ứng phó hiệu quả, giảm thiểu tác động của thiên tai, dịch bệnh. Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về tăng cường phòng, chống thiên tai, đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu của Nhân dân. Đồng thời tập trung chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất công nghiệp. Thúc đẩy mạnh mẽ tiêu dùng, trong đó chú trọng thị trường trong nước. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện và thực hiện đồng bộ, hiệu quả hơn các chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu. Thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng giữa ngành Công thương các tỉnh, thành phố. Phối hợp nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường để bảo vệ sản xuất trong nước và quyền lợi người tiêu dùng.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Để thực hiện mục tiêu đề ra, toàn ngành cần nhất quán thích ứng trong điều kiện có dịch hiện nay. Theo đó tập trung thực hiện tốt các giải pháp, phấn đấu đạt tăng trưởng ở mức cao nhất. Quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trên từng địa bàn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, người lao động và triển khai các biện pháp lưu thông thông suốt. Cùng với đẩy mạnh sản xuất những tháng cuối năm, các ngành, địa phương cần quan tâm kích cầu, cung ứng hàng hóa đáp ứng nhu cầu người dân. Quan tâm đẩy mạnh kết nối cung-cầu trong và ngoài nước. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án, dự án, hỗ trợ giải phóng mặt bằng... nhằm tạo động lực phát triển. Từng địa phương rà soát, điều chỉnh các mục tiêu, tập trung xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển công nghiệp địa phương, chú trọng phát triển ngành công nghiệp có tính chất nền tảng và phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Trong dài hạn, chủ động nghiên cứu các cơ chế, chính sách liên quan đến hỗ trợ sản xuất, lưu thông, thúc đẩy năng lực sản xuất, hỗ trợ thúc đẩy thương mại điện tử... tạo nền tảng phát triển mạnh mẽ, vững chắc trong tương lai. Xây dựng cơ chế, chính sách, khuyến khích hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp. Tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên địa bàn, gắn với chủ động các giải pháp đảm bảo duy trì thành quả phòng, chống dịch Covid- 19./.

A.T

Xem thêm