Hiệu quả kinh tế từ trồng thanh long ruột đỏ

Nhận thấy thanh long ruột đỏ có năng suất và hiệu quả kinh tế cao, gia đình chị Triệu Thị Tấm, thôn Cây Thị, xã Mỹ Thanh (Bạch Thông) đã mạnh dạn đưa loại cây này vào trồng trên diện tích hơn 3.500m2 đất vườn. Đến nay, mô hình đã bắt đầu cho thu hoạch và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hiệu quả kinh tế từ trồng thanh long ruột đỏ ảnh 1
Vườn thanh long đến kỳ thu hoạch của gia đình chị Triệu Thị Tấm, thôn Cây Thị, xã Mỹ Thanh (Bạch Thông).

Vốn là khu vườn tạp, hiệu quả kinh tế thấp, sau nhiều lần tham khảo các mô hình kinh tế, năm 2017, gia đình chị Tấm đã bắt tay vào trồng cây thanh long ruột đỏ. Để bảo đảm thành công, gia đình chị Tấm chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ khâu làm đất, chuẩn bị trụ bê tông, lựa chọn cây giống, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật… Tổng chi phí ban đầu thực hiện mô hình này là gần 100 triệu đồng. Chăm sóc cẩn thận, phòng trừ sâu bệnh gây hại cho cây trồng đúng kỹ thuật, áp dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt, sau hơn 03 năm triển khai, mô hình 400 gốc cây thanh long ruột đỏ của gia đình chị Tấm đã bắt đầu cho thu hoạch. Trừ chi phí mỗi năm gia đình chị thu về trên 200 triệu đồng.

Chị Triệu Thị Tấm chia sẻ: “Thanh long ruột đỏ rất dễ trồng, thích hợp với điều kiện đất đai, khí hậu ở địa phương, vốn đầu tư không lớn, chăm sóc đơn giản, không sâu bệnh. Thanh long ruột đỏ nhanh ra quả, trồng một lần thu hoạch được nhiều năm. Để cây ra quả to, ngọt và mẫu mã đẹp, gia đình luôn học tập kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc qua sách, báo, ti vi và nhất là những người đã thành công từ trồng thanh long. Cây thanh long sau khi trồng hơn 01 năm đã bói quả. Phải trồng 4 thân chia đều theo 4 hướng của trụ bê tông để cây bám rễ và phát triển thuận lợi. Năng suất quả sẽ ổn định từ năm thứ 4 trở đi và có vòng đời khoảng 15 năm. Một năm cây cho 4 lứa quả, thời gian kéo dài từ tháng 6 đến tháng 12, khi ra hoa đậu quả đến khi thu hoạch kéo dài khoảng 1 tháng. Cây thanh long chịu hạn rất tốt, nhưng để có năng suất cao thì cần cung cấp nước, bón phân khoảng 2 đến 3 lần/năm và tỉa cành để cây tỏa tán đều. Công nghệ tưới nhỏ giọt sẽ giúp tiết kiệm nước tưới, phân bón nên hiệu quả sản xuất sẽ cao hơn".

Cùng với vườn thanh long, thấy đất trống quanh nhà còn nhiều, chị Tấm trồng thêm các loại cây ăn quả khác, như: Xoài, ổi, mít và nuôi gà thịt để tăng thu nhập. Theo chị, làm nông nghiệp cần có quỹ đất, nhưng quan trọng hơn là phải xác định được nuôi, trồng cây con gì cho phù hợp, sau đó cần áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Bên cạnh những cây trồng, vật nuôi chủ lực, cần xen canh những loại cây trồng khác để tăng thu nhập và giảm bớt rủi ro nếu gặp phải".

Không chỉ làm kinh tế giỏi, gia đình chị Tấm còn sẵn sàng tạo điều kiện về vốn, hướng dẫn khoa học kỹ thuật cho bà con trong thôn. Mô hình trồng thanh long ruột đỏ của gia đình chị được nhiều nông hộ khác của xã Mỹ Thanh tham khảo, học hỏi để áp dụng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện của địa phương./.

N.D

Xem thêm