Doanh nghiệp vượt khó để phát triển

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức. Đây cũng như một “phép thử” đối với doanh nghiệp, để đổi mới, tìm ra hướng thích nghi với thực tế và tiếp tục phát triển.

Nhiều doanh nghiệp trong tỉnh thiếu hụt lao động đã qua đào tạo
Nhiều doanh nghiệp trong tỉnh thiếu hụt lao động đã qua đào tạo.

9 tháng năm 2021, các doanh nghiệp của tỉnh gặp nhiều khó khăn, thách thức trong nhiều lĩnh vực như: Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng cơ bản, thương mại, du lịch. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tỉnh đã thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” của Chính phủ, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, các ngân hàng tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, có 14 khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ với số dư nợ gốc 61,9 tỷ đồng và số tiền lãi được cơ cấu là 11,74 tỷ đồng; 618 khách hàng được cho vay mới với lãi suất ưu đãi, tổng dư nợ đạt 1.805 tỷ đồng. Ngành Thuế đã thực hiện xóa nợ cho 171 người nộp thuế với tổng số tiền 12,49 tỷ đồng. Dự kiến gia hạn thuế năm 2021 khoảng hơn 150 tổ chức, cá nhân, tổng số tiền khoảng hơn 17 tỷ đồng, trong đó số tiền thuê đất gần 2 tỷ đồng, các khoản thuế khác như: Thuế GTGT, TNDN hơn 15 tỷ đồng. Công ty Điện lực Bắc Kạn hỗ trợ giảm tiền điện trực tiếp trên hóa đơn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, số tiền giảm hơn 16 tỷ đồng. Sở Công Thương tổ chức tập huấn nâng cao năng lực về xây dựng và đăng ký thương hiệu sản phẩm, quản lý sản xuất, tài chính, kế toán, đào tạo, tập huấn về kỹ năng kinh doanh, tổ chức mạng lưới bán lẻ cho các doanh nghiệp, HTX với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 105 triệu đồng.

Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, đến nay đã có hơn 6.291 người lao động được giảm đóng vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với số tiền được giảm 158 triệu đồng; 44 lao động nghỉ việc không lương đã được hỗ trợ với số tiền 163 triệu đồng.

Chia sẻ về sự cố gắng của các doanh nghiệp trong Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, anh Lê Thanh Hải- Chủ tịch Hiệp hội cho biết: “Hiệp hội có 95 doanh nghiệp, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, khai thác và chế biến khoáng sản. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều doanh nghiệp gặp khó, nhất là nguồn nhân lực lao động, số đông là cán bộ kỹ thuật, lái xe, lái máy... là người ngoài tỉnh, nhiều trường hợp sau khi về giải quyết công việc gia đình, nhưng dịch bùng phát không thể quay trở lại làm việc như đã định. Nếu đơn vị nhận người thay thế thì khi quay lại người lao động đó sẽ mất việc làm, nếu không tuyển mới thì doanh nghiệp sẽ thiếu nhân lực, từ đó gây ra đứt gẫy chuỗi sản xuất”.

Trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản, nhiều đơn vị không bán được hàng vì các doanh nghiệp tiêu thụ trong nước dừng hoặc giảm sản lượng. Đối với doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực xây dựng cơ bản lại rất thiếu nguồn nhân lực có trình độ, chuyên môn để thi công các công trình như thủy điện, xây dựng dân dụng, đường giao thông. Hoạt động xây dựng cơ bản ổn định nhưng lại thiếu cán bộ kỹ thuật lĩnh vực xây dựng công trình giao thông, xây dựng kỹ thuật, tư vấn, thiết kế, tổ chức thi công, quản lý giám sát... Để khắc phục khó khăn trong quản lý, điều hành, các doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ để làm việc từ xa như: Giao dịch thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin, chữ kỹ số, kỹ thuật từ các công trường và các bộ phận văn phòng; gửi thông tin, hồ sơ của công trình cũng thông qua ứng dụng, nền tảng thông minh.

Nhiều nhà máy và cơ sở sản xuất trong tỉnh tạo nhiều việc làm cho người lao động trong tỉnh
Các nhà máy và cơ sở sản xuất tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Anh Nguyễn Văn Nam- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh chia sẻ: Hầu hết hội viên là HTX và doanh nghiệp nhỏ, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nên đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. HTX trồng, chế biến nông sản gặp khó trong tiêu thụ vì hàng bán ra ngoại tỉnh số lượng nhỏ, chủ yếu gửi qua xe khách thì vận tải hành khách không hoạt động trong thời gian dài. Lĩnh vực chăn nuôi cũng gặp khó, ảnh hưởng nặng nề bởi dịch tả lợn châu Phi, nay lại thêm dịch Covid-19, lợn không xuất khẩu được nên tiêu thụ trong nước giảm, giá thành cũng giảm... Nhằm giải quyết bài toán tiêu thụ, các HTX và doanh nghiệp đã giao dịch qua các sàn thương mại điện tử, bán hàng online, bán lẻ. Để giảm chi phí, nhiều đơn vị buộc phải cắt giảm lao động, tiết kiệm chi phí để duy trì hoạt động, hướng đến việc sẽ phải sống chung với dịch.

Từ việc thiếu hụt lao động có trình độ và tay nghề qua đào tạo, đồng chí Trịnh Tiến Long- Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bắc Kạn chia sẻ: “Nhà trường sẵn sàng đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp đặt hàng đào tạo hoặc gửi người để nhà trường đào tạo. Nếu các doanh nghiệp trong tỉnh cùng hợp tác thì một số nghề như: Vận hành thủy điện, lái xe, lái máy, thợ gò hàn, khai thác, thợ xây... nhà trường có thể đáp ứng. Với ngành nghề khác nếu có đủ học viên chúng tôi sẽ liên kết đào tạo”.

Có thể thấy, cơ hội việc làm trong tỉnh là rất lớn, doanh nghiệp rất cần nguồn nhân lực tại chỗ, nhất là nhân lực có tay nghề, có kinh nghiệm. Đối với doanh nghiệp, một số vị trí bắt buộc phải qua đào tạo, khi đội ngũ nhân lực có tay nghề, có trình độ sẽ tạo đà phát triển cho doanh nghiệp./.

Trần Tuyến

Xem thêm