Để cây hồng không hạt phát triển bền vững

Khi tiết trời vào thu cũng là lúc các nhà vườn ở Chợ Đồn, Ba Bể… bận rộn thu hoạch quả hồng không hạt. Thời điểm hiện nay đang là chính vụ, tuy nhiên do bệnh thán thư gây hại nên năng suất không cao.

Là loại quả đặc sản được chứng nhận chỉ dẫn địa lý, nức tiếng thơm, ngon, giòn, ngọt nên hồng không hạt Bắc Kạn luôn thiếu hàng, được giá. Nhận thấy, đây là loại quả có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện nhiều giải pháp, thúc đẩy phát triển loại cây ăn quả này.

Người dân xã Quảng Bạch thu hoạch hồng không hạt. (Ảnh: Thu Trang)
Người dân xã Quảng Bạch thu hoạch hồng không hạt. (Ảnh: Thu Trang)

Từ năm 2005 đến năm 2010, Sở Khoa học – Công nghệ Bắc Kạn đã phát triển dự án trồng hồng không hạt tại xã Nam Cường (Chợ Đồn). Cùng với đó, tỉnh cũng có nhiều chính sách hỗ trợ vốn, cây giống, đưa cây hồng không hạt vào trồng nhiều ở các huyện Chợ Đồn, Ba Bể, Ngân Sơn... Đến nay, hồng không hạt đã được nhân rộng và trở thành cây đặc sản của địa phương, có giá trị kinh tế cao, được xác định là cây trồng chính có tiềm năng mở rộng và phát triển.

Để phát triển hơn nữa diện tích hồng không hạt, tỉnh đã quy hoạch hồng không hạt là cây trồng thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2010-2015, tầm nhìn đến năm 2020. Sau nhiều giai đoạn nỗ lực phát triển, đến nay cây hồng không hạt đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa các xã Quảng Khê, Khang Ninh, Địa Linh, Hà Hiệu (Ba Bể); Quảng Bạch, Đồng Lạc, Ngọc Phái, Nam Cường (Chợ Đồn)… Sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý, trở thành đặc sản, có thương hiệu nổi tiếng, mang lại giá trị kinh tế cao, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo. Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng tỉnh, tổng diện tích hồng không hạt hiện có 747ha, trong đó diện tích cho thu hoạch là 467ha. Diện tích đã được đầu tư thâm canh 55ha; diện tích được chứng nhận VietGAP 7ha; diện tích trồng mới năm 2021 là 44ha.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đồng Văn Lợi- Giám đốc HTX Đồng Lợi, xã Quảng Khê (Ba Bể) cho biết: HTX có 12 thành viên trồng hồng không hạt. Toàn xã có khoảng 31ha hồng đã cho thu hoạch, tuy nhiên năm nay cây hồng mắc bệnh thán thư gây rụng quả non, huyện đã hỗ trợ 50% kinh phí (khoảng 500 triệu đồng) để chữa trị nhưng không khỏi nên quả nhỏ, năng suất rất thấp chỉ đạt khoảng 30 đến 40% so với những năm trước.

Tại huyện Chợ Đồn, xã Quảng Bạch được coi là vùng hồng không hạt, với tổng diện tích 41ha. Tuy nhiên, cũng như các địa phương khác, bệnh thán thư gây hại hiện chưa có biện pháp chữa trị hiệu quả, khiến cho năng suất, chất lượng hồng năm nay giảm đáng kể. Phòng NN&PTNT huyện Chợ Đồn đã thí điểm mô hình đưa một số loại phân bón, chế phẩm sinh học để xử lý bệnh trên cây hồng không hạt.

Ông Nông Đình Khuê- Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng tỉnh cho biết: Đây là bệnh rất khó chữa, nguy cơ lây lan rất cao. Hiện nay, Viện BVTV Trung ương phối hợp với Chi cục BVTV Bắc Kạn đang thực hiện dự án chữa loại bệnh này. Tuy nhiên, người trồng hồng cần phải tuân thủ đúng quy trình của dự án, nhất là hạn chế sử dụng các loại phân bón hóa học, tỉa cành lá, phun diệt trừ sâu đúng thời điểm…

Ðể nâng cao chất lượng, tỉnh tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ kỹ thuật thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã, ngành chuyên môn để đầu tư thâm canh, tăng năng suất, chất lượng, trồng cây mới thay thế diện tích cây già cỗi. Nhiều huyện sử dụng các nguồn vốn 30a, 135 hỗ trợ cây giống bảo đảm chất lượng cho người dân…

Thực tế cho thấy, hồng không hạt chưa bao giờ đủ bán nên việc tiếp tục mở rộng là cần thiết. Tuy nhiên, để phát triển thành chuỗi giá trị, các cấp, các ngành chức năng cần kiểm soát chặt chẽ nguồn giống, đảm bảo chất lượng giống từ cây đầu dòng. Tránh tình trạng sử dụng nguồn giống trôi nổi du nhập ở vùng khác đem về trồng hoặc nhân giống thường bằng phương pháp ghép với cây gốc. Đồng thời, phổ biến để người dân tuân thủ quy trình kỹ thuật trong quá trình chăm sóc tránh hiện tượng thoái hóa.

Những khó khăn về nguồn gốc giống hồng không hạt và bệnh thán thư cần được ngành chức năng kiểm soát hiệu quả nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển loại cây ăn quả đặc sản này một cách bền vững./.

P – Q

Xem thêm