Chống thất thu ngân sách từ hoạt động khoáng sản

Từ những hạn chế trong công tác quản lý hoạt động khoáng sản thời gian qua, tỉnh ta tiếp tục thực hiện Đề án "Nâng cao hiệu quả quản lý quy hoạch, thăm dò, khai thác, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ, chống thất thu ngân sách từ hoạt động khoáng sản và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2021 -  2025".

Trong quá trình thực hiện Đề án quản lý khoáng sản giai đoạn 2017 – 2020 cho thấy công tác quản lý sản lượng khai thác, gắn với chế biến, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản chưa được giám sát chặt chẽ. Tại phiên họp UBND tỉnh tháng 9 vừa qua, lãnh đạo huyện Chợ Đồn đã nêu: Hoạt động của camera giám sát sản lượng khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường chưa được các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc; hệ thống camera hoạt động chưa ổn định, liên tục, nhiều khi đường truyền dẫn bị sự cố nên chưa truyền tải được đầy đủ thông tin về Trung tâm giám sát. Huyện đề nghị tỉnh xem xét lắp đặt trạm cân trọng tải để kiểm soát khối lượng quặng, tránh thất thu.

Luyện chì tại Công ty TNHH dịch vụ thương mại Hoàng Nam (Chợ Đồn).
Luyện chì tại Công ty TNHH dịch vụ thương mại Hoàng Nam (Chợ Đồn).

Cùng với đó, việc đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến sâu khoáng sản trên địa bàn còn những hạn chế như chậm tiến độ; nhà máy có quy mô quá lớn, nguồn nguyên liệu chưa đáp ứng được, dẫn tới hiệu quả đầu tư thấp. Ngoài ra, một số doanh nghiệp hoạt động khoáng sản chưa chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất mà quy mô hoạt động còn manh mún, nhỏ lẻ; một số nơi vẫn còn xảy ra hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép với quy mô nhỏ lẻ; việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của một số doanh nghiệp chưa nghiêm…, dẫn tới đóng góp từ hoạt động khai thác khoáng sản chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh.

Tỉnh đặt mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản nhằm đảm bảo sản lượng khoáng sản khai thác, vận chuyển, chế biến, tiêu thụ trên địa bàn phải được quản lý chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật, không để thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách; nhất là quặng chì kẽm phải được thăm dò, đánh giá được đầy đủ, trữ lượng để huy động tối đa phục vụ cho các nhà máy chế biến sâu tại tỉnh; tạo công ăn việc làm cho người lao động, đảm bảo môi trường tại các khu vực có hoạt động khoáng sản; phấn đấu ít nhất có 06 nhà máy chế biến sâu khoáng sản chế biến ra sản phẩm và hoạt động ổn định; phấn đấu đến năm 2025, thu ngân sách từ hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản đạt trên 200 tỷ đồng/năm; thu hút khoảng 2.500 lao động….

Để thực hiện những mục tiêu trên, tỉnh ta đã đề ra nhiều giải pháp quyết liệt, chỉ đạo các cấp, ngành chức năng tổ chức thực hiện. Cụ thể như, yêu cầu các doanh nghiệp phải lắp đặt trạm cân điện tử và camera giám sát tại mỏ; lắp camera giám sát tại vị trí vận chuyển chủ yếu của mỏ, sử dụng hệ thống điện của địa phương, đảm bảo thông tin truyền dữ liệu về Trung tâm quản lý; các xe vận chuyển quặng ra khỏi mỏ phải có hóa đơn xuất hàng để kiểm soát trên đường vận chuyển. Lập các loại sổ, tài liệu, chứng từ theo dõi về kỹ thuật và chứng từ về tài chính chứng minh sản lượng khoáng sản đã khai thác. Thực hiện thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản; thường xuyên kiểm tra, theo dõi, phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển khoáng sản vượt tải trọng theo quy định. Đồng thời, tịch thu khoáng sản trái phép, giao cho cơ quan chức năng tổ chức bán đấu giá nộp ngân sách nhà nước. Hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện ký cam kết vận chuyển khoáng sản đúng tải trọng theo quy định. Xem xét thu hồi hoặc không gia hạn giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản đối với những doanh nghiệp không chấp hành đúng quy định của pháp luật, nghĩa vụ tài chính đối với ngân sách nhà nước.

Các dự án thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phải thực hiện nghiêm túc theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thực hiện dự án cho đến khi đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án. Các dự án khai thác cát, sỏi lòng sông phải thực hiện đầy đủ báo cáo đánh giá tác động môi trường theo Nghị định số 23/2020/NĐ-CP; xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm quy định về bảo vệ môi trường…

Đối với công tác quản lý thuế, tỉnh tiếp tục thực hiện thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và các khoản thuế, phí, lệ phí trong lĩnh vực khoáng sản; triển khai thực hiện tốt Đề án quản lý thuế hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn, đảm bảo các doanh nghiệp khai thác khoáng sản thực hiện đầy đủ nộp ngân sách nhà nước theo giấy phép được cấp.

Cùng với đó, các cấp, ngành chức tăng cường thu hút đầu tư, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Công bố kịp thời, thường xuyên quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản để thu hút các nhà đầu tư có năng lực đầu tư trong lĩnh vực khoáng sản, nhất là chế biến sâu tại tỉnh nhằm gia tăng giá trị khoáng sản, phát huy tiềm năng khoáng sản của địa phương. Hạn chế tối đa việc vận chuyển, xuất khoáng sản thô đối với các sản phẩm có khả năng, điều kiện chế biến tại địa phương. Tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi giúp các doanh nghiệp có mỏ khoáng sản, nhà máy chế biến đang dừng hoạt động trên địa bàn sớm hoạt động trở lại hoặc sớm đưa vào hoạt động đối với các đơn vị mới được cấp phép khai thác, chế biến…

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cần đảm bảo mục tiêu phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và xử lý vi phạm kịp thời, đồng thời hỗ trợ hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ các quy định của pháp luật. Đối với những đơn vị vi phạm nhiều lần, cố tình không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quy định của pháp luật trong hoạt động khoáng sản cần kiên quyết, kịp thời xử lý theo luật định. Trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, các cấp, ngành theo chức năng nhiệm vụ, chủ trì, phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện quy định bảo vệ khoáng sản, xử lý nghiêm vi phạm…. nhằm giảm thiểu tổn thất tài nguyên khoáng sản và nguồn thu thuế của Nhà nước./.

P – Q

Xem thêm