Chợ Mới khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến gỗ

Với thế mạnh về rừng trồng, thuận lợi về giao thông và mặt bằng, những năm qua chính quyền huyện Chợ Mới nỗ lực mời gọi doanh nghiệp đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào xây dựng nhà máy chế biến gỗ với quy mô vừa, sản xuất theo chuỗi liên kết.

Hoạt động chế biến gỗ của HTX
Hoạt động chế biến gỗ của HTX Tấn Phát tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Đồng chí Hoàng Nguyễn Việt- Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới cho biết: "Thế mạnh của huyện là có 42.000ha rừng sản xuất. Mặc dù nguồn nguyên liệu dồi dào nhưng địa phương lại thiếu các cơ sở và nhà máy chế biến sâu, hầu hết gỗ được bóc thô và bán ra ngoài tỉnh. Để tăng giá trị rừng trồng, huyện đã có những phương án kêu gọi đầu tư chế biến sâu từ khâu sơ chế gỗ cho đến khi thành sản phẩm xuất khẩu, từng bước hạn chế việc bán sản phẩm sơ chế ra ngoài tỉnh".

Huyện đã thống nhất quy hoạch vùng sản xuất công nghiệp chế biến gỗ tại xã Quảng Chu. Do không có nguồn lực đầu tư hạ tầng, huyện đã chủ động mời gọi và tìm nhà đầu tư. Cách làm là khuyến khích các nhà đầu tư thành lập công ty hoặc HTX tại địa phương, nhà đầu tư tự mua đất, sau đó được huyện hướng dẫn chuyển đổi theo luật. Sau khi đã đủ điều kiện, huyện sẽ hỗ trợ các bước để doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy theo đúng trình tự và quy định; hướng dẫn thủ tục, kết nối nhà đầu tư với các sở, ngành; giới thiệu vùng nguyên liệu...

Sau hơn hai năm mời gọi, hiện nay đã có hàng chục doanh nghiệp lĩnh vực chế biến gỗ vào đầu tư tại huyện Chợ Mới, trong đó có 01 công ty và 04 HTX đã đi vào hoạt động. Ông Nguyễn Hữu Tùng- Giám đốc HTX Tấn Phát chia sẻ: Trước đây chúng tôi đặt các nhà máy tại khu vực Cầu Đuống - Hà Nội nhưng hầu hết nguyên liệu thô đều mua từ Bắc Kạn. Nhận thấy vùng nguyên liệu tại huyện Chợ Mới rất lớn lên chúng tôi cùng nhau lên đây đầu tư. Qua các buổi làm việc với chính quyền địa phương, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ về nhiều mặt, đặc biệt là về thủ tục hành chính. Để ổn định đầu tư, chúng tôi thành lập công ty, HTX tại Bắc Kạn, cam kết với huyện về nghĩa vụ thuế nộp đúng, nộp đủ; cam kết thu mua với người dân giá tốt nhất. Để đảm bảo tin tưởng đối với các chủ rừng, chúng tôi thu mua gỗ nguyên liệu và liên kết sản xuất từ khâu bóc đến chế biến thành ván đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan.

Chia sẻ về đầu tư và lợi ích người dân được hưởng, Giám đốc HTX An Hoà Phát, ông Phạm Tiến Long cho biết: Mỗi nhà máy chúng tôi đang sử dụng quỹ đất khoảng 01 héc-ta, tổng mức đầu tư khoảng 12 - 15 tỷ đồng/HTX. Sau hai năm mua đất, làm các thủ tục chuyển đổi và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đến nay các nhà máy đi vào hoạt động, tạo việc làm cho khoảng 30 - 40 người lao động/nhà máy. Lương người lao động bình quân từ 6 - 10 triệu đồng/người/tháng. Các nhà máy trong chuỗi liên kết này đều đóng tại xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới. Hiện nay chúng tôi tạo việc làm cho hơn 200 lao động là người địa phương và người trong tỉnh Bắc Kạn. Bình quân mỗi nhà máy tiêu thụ khoảng 1.000m3 gỗ tròn, mỗi tháng xuất gần 500 mét khối ván thành phẩm đi nước ngoài.

Anh La Dương Tùng ở xã Địa Linh, huyện Ba Bể là công nhân của HTX Tấn Phát, trước đây làm công nhân ở Bắc Giang, do dịch nên anh phải về quê đã lâu. May mắn có việc làm ngay trong tỉnh, anh đến HTX Tấn Phát làm việc đã hơn ba tháng nay và có thu nhập ổn định. Còn anh Trần Văn Khanh ở xã Quảng Khê, huyện Ba Bể phấn khởi cho biết: "Người từ quê tôi đến làm công nhân tại đây khá đông, công việc ở nhà máy chế biến gỗ không đòi hỏi tay nghề cao, được làm gần nhà mà thu nhập cũng ngang làm ở ngoài tỉnh, do vậy chúng tôi xác định gắn bó với nhà máy lâu dài"...

Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Hoàng Nguyễn Việt đánh giá: Từ khi đi vào hoạt động, các nhà máy chế biến gỗ đã tạo thu nhập cho nhiều bà con dân tộc Mông ở thôn Đồng Luông, xã Quảng Chu. Không chỉ có việc làm tại các nhà máy, nhiều hộ dân còn xây nhà trọ cho người lao động thuê, mở dịch vụ ăn uống, bán hàng tạp hóa và các dịch vụ đi kèm... tạo thu nhập ổn định cuộc sống. Huyện mong đón nhận nhiều nhà đầu tư hơn nữa, đồng thời cam kết sẽ hỗ trợ các điều kiện, thủ tục nhanh nhất để doanh nghiệp hoạt động thuận lợi./.

Trần Tuyến

Xem thêm