Yến Dương khai thác hiệu quả từ nguồn lâm sản phụ

Để nâng cao hiệu quả kinh tế từ rừng, người dân xã Yến Dương (Ba Bể) đã quan tâm khai thác, sản xuất và chế biến các loại lâm sản phụ phù hợp.

Lâu nay, những cánh rừng chạy dọc theo dãy núi Phja Boóc ở khu vực 3 thôn vùng cao Phiêng Khăm, Nà Phài, Phiêng Phàng của xã Yến Dương cho khai thác nhiều loại dược liệu như: Tam thất, ba kích, giảo cổ lam, xạ đen, sâm 7 lá 1 hoa... Ông Đặng Khải Cường- Trưởng thôn Phiêng Phàng cho biết: Những loại dược liệu nằm sâu trong rừng thường là loại lâu năm, được các nhà thuốc đông y đặt mua từ vài chục cân trở lên. Vào mùa khô, đường đi lại dễ dàng, bà con vào rừng tìm kiếm về bán để nâng cao thu nhập. Đồng bào người Dao nơi đây cũng có những bài thuốc từ đời cha ông truyền lại, một số hộ vẫn duy trì nghề lấy thuốc để phục vụ nhu cầu của người dân địa phương.

Là người có kinh nghiệm kết hợp các loại dược liệu thành những bài thuốc, bà Triệu Thị Tàn ở thôn Nà Pài cho biết: "Nếu không biết phân biệt sẽ rất dễ nhầm lẫn các loại cây, vì vậy, khai thác dược liệu đòi hỏi phải có kiến thức, kinh nghiệm. Những năm gần đây, các bài thuốc của người Dao được nhiều người tin tưởng, dùng để hỗ trợ nâng cao sức khỏe, chữa các bệnh xương khớp, phục hồi sau sinh... Hướng tới phát triển du lịch cộng đồng, gia đình tôi và một số hộ khác đã và đang thực hiện mô hình dịch vụ tắm thuốc người Dao, bước đầu được du khách trong và ngoài huyện biết đến".

Để khai thác hiệu quả nguồn dược liệu tự nhiên gắn với công tác bảo vệ rừng, thời gian qua, chính quyền xã Yến Dương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân tránh khai thác tận diệt, khuyến khích, hỗ trợ trồng cây dược liệu theo hướng hàng hóa. Năm 2020, từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, xã đã triển khai mô hình trồng giảo cổ lam tại thôn Phiêng Khăm với diện tích 1ha, trong đó Hợp tác xã Nhung Lũy liên kết bao tiêu sản phẩm. Từ nguồn kinh phí Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại do Trung ương Hội Nông dân triển khai, mô hình trồng 2.000 cây xạ đen được thực hiện tại thôn Phiêng Phàng và được Hợp tác xã Yến Dương ký kết bao tiêu, đưa vào chế biến thành các sản phẩm trà xạ đen, trà giảo cổ lam.

Nguồn nguyên liệu dồi dào giúp cho nghề đan lát thủ công ở Yến Dương dần được khôi phục, nâng cao thu nhập cho người dân.
Nguồn nguyên liệu dồi dào giúp cho nghề đan lát thủ công ở Yến Dương dần được khôi phục.

Những cánh rừng trúc lâu năm trên địa bàn xã Yến Dương cũng đang là nguồn lâm sản phụ cho thu nhập ổn định. Toàn xã có gần 300ha cây trúc có độ tuổi từ 10 – 20 năm. Đồng chí Hoàng Văn Duẩn- Phó Chủ tịch UBND xã Yến Dương cho biết: Hiện nay, bà con thường thu hoạch và bán cây trúc tươi cho tư thương, với giá trung bình 10.000 đồng/cây. Mỗi năm, cây trúc đem lại thu nhập cho mỗi hộ dân từ 40 – 60 triệu đồng. Cây trúc nơi đây có đặc điểm thân thẳng, tròn đều, dẻo, dễ uốn… nên được các cơ sở sản xuất vật dụng thủ công ưa chuộng.

Để tạo sinh kế bền vững, chính quyền địa phương đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện Ba Bể và Hợp tác xã Yến Dương tổ chức mở lớp dạy nghề đan lát mây tre đan cho 20 người, chủ yếu là phụ nữ, người già và thanh niên chưa có việc làm. Sau khi được cấp chứng chỉ, các học viên đã cùng nhau thành lập và duy trì 2 nhóm đan lát thủ công mỹ nghệ. Hiện các nhóm chủ yếu sản xuất các mặt hàng gia dụng như: Gùi, mẹt, nong, nia, bàn trúc, mành trúc, làn, bình hoa trang trí... với giá thành dao động từ 100.000 – 350.000 đồng/sản phẩm. Hợp tác xã Yến Dương đứng ra kết nối tiêu thụ sản phẩm cho bà con.

Anh Triệu Hữu Thành- Trưởng nhóm đan lát Nà Pài cho biết: Với nguồn nguyên liệu trúc sẵn có, chúng tôi hoàn toàn không mất nhiều chi phí đầu vào. Tranh thủ những lúc nông nhàn, các thành viên lại học hỏi và hoàn thiện kỹ thuật đan lát những sản phẩm đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ. Qua đó không chỉ gìn giữ, khôi phục, phát huy được nghề truyền thống, mà tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho các thành viên.

Phát triển sinh kế từ lâm sản phụ bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân xã Yến Dương. Thời gian tới, địa phương tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của bà con về lợi ích từ nguồn lâm sản phụ mang lại đối với đời sống, sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới quy hoạch thành vùng sản xuất tập trung, giúp các hộ dân vươn lên làm giàu từ rừng gắn với bảo vệ, phát triển rừng bền vững./.

Thu Hường

Xem thêm