Tăng cường công tác kiểm dịch động vật

Trước tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành chức năng tăng cường công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát động vật trên địa bàn toàn tỉnh.

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tính từ đầu năm đến ngày 23/9, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 1.253 hộ, 322 thôn, 69 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thành phố; tổng số lợn mắc bệnh tiêu hủy là 5.476 con với trọng lượng 247.231kg. Bệnh viêm da nổi cục xảy ra tại 1.110 hộ, 329 thôn, 73 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện thành phố; tổng số trâu, bò mắc bệnh 2.784 con, trong đó 203 con bị chết, 2.284 con đã điều trị khỏi, phần còn lại đang được điều trị. Bệnh lở mồm long móng xảy ra tại 20 hộ, 7 thôn, 7 xã, thị trấn thuộc huyện Chợ Đồn, Bạch Thông, Chợ Mới, tổng số trâu, bò mắc bệnh 106 con, trong đó bị chết 01 con bò, 105 con đã điều trị khỏi.

Ngoài ra, tại một số địa phương xuất hiện một số ổ dịch nhỏ trên đàn vật nuôi như: Ký sinh trùng đường máu; tụ huyết trùng trâu, bò; tụ huyết trùng lợn, lép tô... Cán bộ thú y đã phối hợp với chính quyền địa phương và các hộ dân phát hiện, điều trị kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Do tình hình dịch bệnh chưa được khống chế dẫn tới công tác phát triển chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, việc tái đàn, khôi phục sản xuất không đạt kế hoạch đề ra.

Xe ô tô chở gia súc qua địa bàn tỉnh được kiểm dịch.
Xe ô tô chở gia súc qua địa bàn tỉnh được kiểm dịch.

Để chủ động phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra diện rộng, các cấp, các ngành đã thực hiện nhiều giải pháp, cụ thể như: Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch tại các địa phương; kịp thời phát hiện những hạn chế, yếu kém trong công tác phòng, chống dịch bệnh và đề xuất biện pháp khắc phục; thành lập các đoàn công tác, đội phản ứng nhanh để kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo các huyện, thành phố thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch...

Song song với đó, công tác kiểm soát giết mổ và kiểm dịch vận chuyển được tổ chức thực hiện quyết liệt. Tại 02 trạm, chốt kiểm dịch động vật trên địa bàn huyện Chợ Mới, hoạt động kiểm soát, kiểm dịch, phun thuốc khử trùng tiêu độc các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật được duy trì trực 24/24h. Qua 9 tháng đầu năm, cơ quan chức năng đã kiểm dịch xuất ra khỏi địa bàn tỉnh 5.969 con trâu, bò; 16.620 con lợn; 700 con gà. Kiểm soát động vật vào địa bàn hoặc vận chuyển qua địa bàn tỉnh được 30.815 con trâu, bò; 28.871 con lợn; 360 con dê; 264.317 con gà, vịt; 250 con chó và 70.700kg sản phẩm động vật. Thực hiện phun khử trùng tiêu độc phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm động vật được 1.918 lượt xe, thu phí nộp ngân sách nhà nước 76.720.000 đồng. Đồng thời xử lý vi phạm hành chính 15 trường hợp vận chuyển lợn, trâu không có giấy chứng nhận kiểm dịch, có giấy chứng nhận kiểm dịch nhưng tẩy xóa... với số tiền phạt gần 70 triệu đồng. Ngoài ra, cán bộ thú y thuộc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố đã tiến hành kiểm soát giết mổ, kiểm soát vệ sinh thú y tại các chợ là 765 con trâu, bò; 15.046 con lợn và 23.468 con gia cầm…

Ông Nguyễn Thành Tâm- Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch động vật Chợ Mới cho biết: Thực hiện chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi của cấp trên, chúng tôi đã phân công lực lượng trực liên tục 24/24h trong ngày tại 02 điểm trên tuyến Quốc lộ 3 và đường BOT Thái Nguyên - Chợ Mới. Hạn chế lớn nhất hiện nay là chưa xây dựng được khu cách ly động vật nên khó kiểm soát động vật nghi nhiễm bệnh. Cùng với đó, hoạt động Trạm Kiểm dịch phải thực hiện theo Điều 40, Luật Thú y năm 2015 “Trạm kiểm dịch động vật tại đầu mối giao thông phải có đại diện các ngành công an, quản lý thị trường, thú y”, tuy nhiên, hiện nay lực lượng công an và quản lý thị trường chưa được bố trí. Ngoài ra, Trạm chỉ có 05 người nên việc trực xuyên suốt 24/24h cũng gặp nhiều khó khăn.

Có thể nói, cùng với các lực lượng phòng, chống dịch bệnh, đội ngũ cán bộ, nhân viên thú y đã và đang nỗ lực kiểm soát tại hầu hết các điểm có nguy cơ cao như chợ, các điểm giết mổ, các tuyến đường cửa ngõ dẫn vào tỉnh, góp phần không nhỏ kiểm soát dịch bệnh lây lan trên đàn vật nuôi./.

Phan Quý

Xem thêm