Sản xuất vụ đông theo hướng thâm canh, tăng năng suất, chất lượng cây trồng

Nhằm thực hiện hiệu quả Phương án sản xuất vụ đông năm 2021, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành chức năng chủ động, quyết liệt trong công tác chỉ đạo và thực hiện, tập trung sản xuất vụ đông theo hướng thâm canh, tăng năng suất, chất lượng cây trồng, từ đó tăng hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2021.

Với chủ trương đẩy mạnh sản xuất vụ đông nhằm đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, kết quả những năm qua cho thấy, sản xuất vụ đông tại Bắc Kạn đã khẳng định được hiệu quả, đạt giá trị kinh tế cao, mang lại nguồn thu nhập lớn và ổn định cho người nông dân.

Theo Phương án sản xuất vụ đông năm 2021, toàn tỉnh thực hiện 1.549ha cây trồng các loại, phấn đấu tổng sản lượng đạt 17.904 tấn. Địa phương được giao chỉ tiêu nhiều nhất là huyện Chợ Mới 375ha, tiếp đó là Bạch Thông 220ha, Chợ Đồn 215ha, Na Rì 215ha, Ba Bể 172ha, Pác Nặm 155ha, Ngân Sơn 122ha, thành phố Bắc Kạn 75ha. Các loại cây trồng chủ yếu như: Ngô hạt, ngô sinh khối, khoai tây, khoai lang, dưa các loại, kiệu, tỏi, cà chua, bí đỏ, rau màu các loại. Cơ bản các loại cây trồng có đầu mối tiêu thụ ổn định, nhiều loại được bao tiêu như ớt, khoai tây, rau cải Nhật, củ kiệu… Đặc biệt lần đầu tiên, cây ngô sinh khối có trong cơ cấu cây trồng vụ đông. Đây là loại cây trồng để làm thức ăn chăn nuôi gia súc, tuy nhiên diện tích khá khiêm tốn với 68ha. Nếu có đầu mối thu mua lớn thì chắc chắn ngô sinh khối sẽ mang lại lợi nhuận cao vì dễ trồng, dễ chăm sóc, sản lượng lớn.

Trong công tác chỉ đạo sản xuất, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành chức năng tích cực bám sát cơ sở, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thay đổi phương thức sản xuất từ quy mô hộ nhỏ lẻ sang quy mô hợp tác xã; tổ chức sản xuất theo kế hoạch và yêu cầu của thị trường, hỗ trợ người dân tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Các địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành NN&PTNT thống nhất trong chỉ đạo sản xuất từ xây dựng kế hoạch trồng cũng như liên kết tiêu thụ, tháo gỡ khó khăn cho người dân. Thường xuyên kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, vật tư nông nghiệp tại cơ sở, đặc biệt vào thời điểm trước khi bước vào vụ sản xuất. Phát hiện và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp kém chất lượng, giống không rõ nguồn gốc, gây thiệt hại cho người dân.

Hướng dẫn nông dân gieo trồng đảm bảo khung thời vụ đối với từng loại cây trồng, thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật từ khâu gieo trồng, chăm sóc đến thu hoạch nhằm hạn chế rủi ro do thiên tai, dịch bệnh; tăng cường cơ giới hóa trong các khâu canh tác, giảm tối đa chi phí đầu vào trong sản xuất. Bố trí cơ cấu giống hợp lý cho từng vùng sản xuất, khuyến cáo bà con sử dụng các giống có năng suất, chất lượng tốt, chống chịu sâu bệnh, phù hợp với khả năng đầu tư thâm canh của địa phương và nhu cầu thị trường.

Đối với cây rau các loại, hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp canh tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học…

Ngoài ra, các địa phương chủ động tích nước tại các hồ chứa để đảm bảo nguồn nước tưới; tập trung sửa chữa, nạo vét kênh mương; hướng dẫn và kiểm tra công tác vận hành, quản lý nguồn nước tưới phục vụ sản xuất vụ đông có hiệu quả, tránh lãng phí.

Công tác thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp luôn được quan tâm.
Công tác thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp luôn được quan tâm.

Hướng dẫn nông dân không gieo trồng khi nhiệt độ thấp dưới 15°C kéo dài. Chăm sóc, bón phân cho cây trồng đầy đủ, cân đối để cây khoẻ, tăng khả năng chống rét; thực hiện các phương pháp phòng, chống rét cho cây trồng như che phủ rơm rạ, nilon, tưới nước. Đặc biệt, các hợp tác xã, tổ hợp tác thực hiện liên kết chặt chẽ trong tổ chức sản xuất từ khâu gieo trồng đến thu hoạch, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh những thuận lợi trong công tác chuẩn bị, sản xuất vụ đông năm 2021 có những khó khăn nhất định như: Cơ cấu giống lúa vụ mùa hiện chiếm 50% diện tích là giống dài ngày (giống Bao thai) do đó không đảm bảo thời vụ đối với các cây trồng vụ đông; hệ thống thủy lợi phục vụ nhu cầu tưới vụ đông còn hạn chế; giá cả một số loại vật tư đầu vào tăng cao, điển hình như phân đạm tăng 40% so với vụ đông năm 2020, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế trong sản xuất. Việc liên kết sản xuất còn gặp nhiều khó khăn do diện tích đất còn manh mún, tư duy về sản xuất vụ đông của nhiều người dân chậm thay đổi. Cùng với đó, dịch bệnh Covid-19 kéo dài, ảnh hưởng đến tâm lý của người sản xuất và ảnh hưởng đến việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ…

Thực tế cho thấy, sản xuất vụ đông trong những năm qua trên địa bàn tỉnh đã được chú trọng. Các địa phương chủ động tranh thủ nguồn lực từ các chương trình, dự án để hỗ trợ người dân sản xuất vụ đông. Bà con nông dân đã ý thức tuân thủ đúng khung thời vụ, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng để đẩy nhanh tiến độ sản xuất; gieo trồng các loại cây vụ đông theo hướng thâm canh, tăng năng suất, chất lượng. Cùng với đó, các cơ quan chuyên môn, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã chú trọng làm cầu nối liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã bao tiêu sản phẩm, đảm bảo đầu mối tiêu thụ ổn định để người dân yên tâm mở rộng diện tích sản xuất. Qua đó đưa sản xuất vụ đông thực sự là một trong những vụ sản xuất chính, góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần không nhỏ vào mục tiêu tăng trưởng hằng năm của tỉnh./.

Phan Quý

Xem thêm