Như Cố phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị

Những năm gần đây, xã Như Cố (Chợ Mới) đã có sự đột phá trong phát triển kinh tế. Nhiều mô hình kinh tế theo chuỗi gia trị đã được triển khai với kết quả rất đáng ghi nhận, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân.

Là xã miền núi, sản xuất nông, lâm nghiệp ở Như Cố vẫn đóng vai trò chủ đạo. Do vậy, cấp ủy, chính quyền xã đã xác định rõ mục tiêu tập trung phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, đẩy mạnh chăn nuôi. Tập trung thực hiện các mô hình điểm để làm mẫu cũng như tạo động lực, thúc đẩy người dân mạnh dạn sản xuất theo chuỗi giá trị. Với sự nỗ lực, đầu tàu của Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh niên Như Cố, nhiều mô hình, dự án trồng trọt, chăn nuôi được triển khai thực hiện.

Người dân chăm sóc cây thanh long ruột đỏ.
Người dân chăm sóc cây thanh long ruột đỏ.

Trong sản xuất nông nghiệp, cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng chuyển biến theo hướng tích cực. Các giống cây trồng mới được đưa vào thâm canh sản xuất như: Lúa lai, lúa thuần chất lượng cao, ngô lai, ngô nếp, ngô ngọt... Năm 2020, xã có 30ha đạt giá trị thu nhập 100 triệu đồng/ha. Một số loại cây như chè, mướp đắng rừng, đỗ tương, đỗ xanh, dưa lưới; cây ăn quả (nhãn, vải, thanh long ruột đỏ…) được Nhân dân đưa vào trồng và thu được kết quả tốt.

Mặc dù không phải là thế mạnh của địa phương, song xã đã vận động người dân thực hiện các mô hình chăn nuôi lợn nái Móng Cái thuần, lợn rừng, gà siêu trứng, dê, trâu, bò sinh sản và vỗ béo... Ứng dụng chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn vệ sinh dịch bệnh, sử dụng bể biogas trong chăn nuôi… Bình quân mỗi năm toàn xã xuất ra thị trường khoảng hơn 100 tấn lợn. Cùng với đó, nuôi cá nước ngọt được đẩy mạnh phát triển. Với nguồn nước sạch dồi dào, diện tích mặt nước tự nhiên, ao, hồ, ruộng sâu lên tới 14ha được người dân tích cực nuôi cá kết hợp trồng lúa để tăng thu nhập.

Thực hiện Đề án xây dựng hợp tác xã kiểu mới và Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, xã Như Cố đã thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh niên Như Cố, từng bước sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật. Cùng với đó, 04 tổ hợp tác sản xuất và chế biến chè được chứng thực hợp đồng hợp tác. Các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại được tập huấn nâng cao kiến thức về công tác quản lý, được đầu tư lớn hơn về quy mô, đa dạng sản phẩm; áp dụng tiến bộ khoa học, thiết bị máy móc hiện đại vào sản xuất như máy lọc khử rượu, chế biến gỗ, bảo quản rau quả, thiết bị sấy, đóng gói, hút chân không...

Để thúc đẩy các tổ hợp tác, hợp tác xã phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, xã đã triển khai các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ các sản phẩm: Chè xanh tại các thôn Nà Roòng, Nà Tào, Khuổi Chủ, Khuân Bang, Nà Luống... quy mô 20ha, đến nay vùng chè đã được cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP; gà thịt tại thôn Bản Quất, Nà Chào, quy mô trên 12.000 con/năm; thanh long ruột đỏ quy mô 2,5ha, chuẩn bị cho thu hoạch quả lứa đầu tiên; khoai tây Atlantic liên kết với Công ty TNHH ORION VINA tại thôn Nà Chào, Nà Tào quy mô 5,2ha; mướp đắng rừng của HTX Nông nghiệp Thanh niên Như Cố quy mô 1ha… Đến nay, xã Như Cố có 04 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh gồm: Chè xanh, mướp đắng rừng, mật ong hoa rừng và bún khô.

Có thể thấy, cấp ủy, chính quyền xã Như Cố đã nỗ lực, năng động lãnh đạo Nhân dân phát triển kinh tế; vận động bà con sản xuất nông, lâm nghiệp theo các quy trình kỹ thuật; sản xuất theo hướng hàng hóa. Đến nay, các chuỗi sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn OCOP hoặc được sản xuất an toàn thực phẩm, bao tiêu thụ với số lượng lớn, giá thành cao hơn mức trung bình. Thu nhập bình quân đầu người của xã hiện đạt 36 triệu đồng/người/năm, góp phần đạt 02 tiêu chí "khó" trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là Thu nhập và Tổ chức sản xuất./.

Phan Quý

Xem thêm