Hiệu quả kinh tế từ cây thông ở Ngân Sơn

Do khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cao nên nhiều năm nay, cây thông được huyện Ngân Sơn khuyến khích phát triển, mở rộng diện tích.

Gia đình chị Nông Thị Viên, thôn Bản Tặc, xã Đức Vân trồng lại cây thông sau khi khai thác trắng.
Gia đình chị Nông Thị Viên, thôn Bản Tặc, xã Đức Vân trồng lại cây thông sau khi khai thác trắng. 

Cánh rừng thông rộng 1ha của gia đình ông Hoàng Văn Phắn, thôn Nưa Phia, xã Đức Vân được trồng từ năm 1998. Sáu năm trở lại đây, cây thông đến chu kỳ khai thác nhựa đã giúp gia đình ông có khoản thu nhập ổn định. Ông Phắn cho biết: "Rừng thông được trồng từ Dự án PAM, khi đó gia đình được hỗ trợ 3 tạ gạo/ha trồng rừng, giúp xóa đói, tạo việc làm vào lúc khó khăn. Đến nay bình quân mỗi năm, việc thu hoạch nhựa thông đem lại thu nhập hơn 60 triệu đồng. Sau khi hết chu kỳ khai thác nhựa, cây thông có thể bán gỗ mang lại một khoản đáng kể".

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, gia đình chị Nông Thị Viên ở thôn Bản Tặc, xã Đức Vân tranh thủ trồng mới diện tích rừng thông vừa khai thác trắng. Chị Viên cho biết: "Chất đất đỏ trồng các loại cây khác không mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng lại phù hợp với cây thông, do vậy gia đình tiếp tục trồng thông sau khi đã khai thác trắng. Cây thông trồng khoảng 15 năm sẽ bắt đầu cho khai thác nhựa và duy trì trong 5 năm, mỗi ki-lo-gam nhựa thông bán được 30.000 đồng. Diện tích 1,7ha thông trồng từ năm 1997, sau khi khai thác trắng, gia đình chị thu về được hơn 60 triệu đồng".

Xã Đức Vân là một trong những địa phương có diện tích trồng thông lớn với trên 200ha. Sau mỗi chu kỳ khai thác người dân đều tiếp tục trồng mới. Nhiều hộ nhờ trồng thông đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Đặc biệt, địa phương khuyến khích trồng thông tại diện tích đồi quanh hồ Bản Chang để xây dựng điểm du lịch sinh thái.

Từ các chương trình, dự án trồng rừng, đến nay huyện Ngân Sơn có trên 4.500ha rừng thông, tập trung nhiều ở các xã Vân Tùng, Đức Vân, Bằng Vân, Thượng Ân, Cốc Đán. Những diện tích này đều đã đến chu kỳ khai thác và tiếp tục được người dân trồng lại. Năm 2021, toàn huyện trồng được hơn 390ha thông, trong đó trồng lại sau khai thác trên 280ha, người dân tự trồng 105ha.

Đồng chí Phạm Kim Hiểu- Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngân Sơn đánh giá: "Lợi ích từ cây thông là rất lớn, không chỉ đem lại thu nhập cho người dân mà còn góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, góp phần tăng tỷ lệ che phủ rừng của huyện lên hơn 62%. Thông là cây trồng lâu năm, vì vậy thời gian qua huyện đã triển khai nhiều mô hình trồng xen canh cây đỗ tương, khoai môn, cây dược liệu ở những năm đầu và dưới tán cây thông trưởng thành, góp phần giúp người dân tăng thu nhập, lấy ngắn nuôi dài. Diện tích để trồng thông của huyện còn lớn, hằng năm các địa phương tích cực tuyên truyền người dân trồng bổ sung, trồng mới và không khai thác cây thông khi chưa đủ tuổi để tăng hiệu quả kinh tế./.

Hà Nhung

Xem thêm