Chợ Mới tập trung phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng vụ mùa

Thời điểm này, các cây trồng vụ mùa trên địa bàn huyện Chợ Mới đang sinh trưởng và phát triển mạnh. Tuy nhiên, thời tiết diễn biến phức tạp, một số cây trồng đã xuất hiện sâu bệnh hại. Cơ quan chuyên môn đã và đang hướng dẫn người dân chủ động triển khai các biện pháp phòng trừ.

Nông dân xã Cao Kỳ phun thuốc diệt trừ sâu bệnh hại lúa mùa.
Nông dân xã Cao Kỳ phun thuốc diệt trừ sâu bệnh hại lúa mùa.

Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chợ Mới, hiện nay thời tiết nắng nóng xen kẽ mưa dông, đêm và sáng sớm có sương nên thuận lợi cho cây trồng vụ mùa sinh trưởng, phát triển nhưng cũng là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh, lây lan trên diện rộng, đặc biệt là bệnh khô vằn, đạo ôn gây hại nặng trên cây lúa.

Đối với những diện tích lúa ngắn ngày như: Khang dân 18, Hà phát 3, DV 108, Tạp giao... giai đoạn ôm đòng - phơi màu đang bị rầy nâu hại, mật độ phổ biến 200 con/m2, cao 800 con/m2, cá biệt 2.000 con/m2; sâu đục thân mật độ phổ biến 0,8%, cao 4%; sâu cuốn lá nhỏ mật độ hại phổ biến 1,5 con/m2, cao 5 con/m2. Bọ xít dài mật độ phổ biến 0,6 con/m2, cao 2 con/m2;; bệnh đạo ôn lá tỷ lệ bệnh phổ biến 2% lá, cao 12% lá, cá biệt 30% lá, hại trên các giống TBR 225, Nếp, Đài thơm, J02, Hương thơm số 1... với diện tích nhiễm 6,5ha trong đó nhiễm nhẹ 3ha, nhiễm trung bình 2ha, nhiễm nặng 1,5ha tại các Hoà Mục, Như Cố, Bình Văn, Yên Cư...

Bệnh đạo ôn cổ bông tỷ lệ phổ biến 0,7%, cao 2%, gây hại trên những diện tích từ giai đoạn trỗ bông trở đi. Bệnh khô vằn tỷ lệ bệnh phổ biến 5% cao 16%, cá biệt 30%, gây hại trên các giống nếp, TBR 225, khang dân 18, Hưng dân, Bắc Thịnh, J02... Diện tích nhiễm 5,5ha, trong đó nhiễm nhẹ 3,5ha, nhiễm trung bình 2ha tại các xã Thanh Vận, Nông Hạ, Thanh Thịnh, Như Cố, Bình Văn, Yên Hân... Đối với những diện tích cấy lúa Bao thai hiện đang giai đoạn làm đòng bị rầy nâu hại, mật độ hại phổ biến 250 con/m2, cao 700 con/m2; sâu cuốn lá nhỏ, mật độ hại phổ biến 2 con/m2, cao 4 con/m2; bệnh khô vằn tỷ lệ bệnh phổ biến 7% cao 20%, cá biệt 45%. Diện tích nhiễm 3ha trong đó nhiễm nhẹ 1,5ha, nhiễm trung bình 1ha, nhiễm nặng 0,5ha tại xã Thanh Vận.

Cây ngô mùa hiện trong giai đoạn xoáy nõn - trỗ cờ đang bị sâu đục thân hại, tỷ lệ hại phổ biến 0,8%, cao 4%; sâu keo mùa thu hại, mật độ phổ biến 0,6 con/m2, cao 1,8 con/m2, cá biệt 5 con/m2. Diện tích nhiễm nhẹ 1,8ha tại xã Như Cố, Quảng Chu, Yên Hân... 

Ngoài ra, một số diện tích cây màu cũng đang bị sâu bệnh như cây ớt tại các Cao Kỳ, Yên Hân, Yên Cư đang giai đoạn phát triển thân lá, bị bệnh thán thư. Bệnh lở cổ rễ, gây hại trên những diện tích mới trồng tỷ lệ hại phổ biến 1% cây, cao 4% cây tại các xã Cao Kỳ, Hòa Mục. Cây gừng đang giai đoạn củ bị bệnh cháy lá, tỷ lệ phổ biến 1%, cao 5%, cá biệt 15%; diện tích nhiễm 5ha trong đó nhiễm nhẹ 2,5ha, nhiễm trung bình 2ha, nhiễm nặng 0,5 ha tại các Yên Hân, Yên Cư, Tân Sơn. Bệnh thối củ, tỷ lệ phổ biến 0,5%, cao 3%, cá biệt 10%; diện tích nhiễm 3,5ha trong đó nhiễm nhẹ 2ha, nhiễm trung bình 1,5ha tại các xã Tân Sơn, Yên Cư, Yên Hân. Cây hồi tại xã Bình Văn đang bị bệnh thán thư hại, diện tích nhiễm 6,5ha, trong đó nhiễm nhẹ 3ha, nhiễm trung bình 2,5ha, nhiễm nặng 1ha tại các thôn Khuôn Tắng, Tài Chang, Bản Mới...

Để đảm bảo cây trồng vụ mùa phát triển tốt, đạt năng suất, sản lượng theo kế hoạch, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện khuyến cáo người dân thường xuyên thăm đồng, phát quang xung quanh bờ ruộng, chủ động phòng trừ sâu bệnh, giữ mực nước trong ruộng 3 - 5cm đối với cây lúa. Những diện tích ngô từ 7 - 9 lá, tiến hành bón thúc lần 2 kết hợp làm cỏ, vun gốc cao, tăng khả năng chống đổ. Đối với cây ớt kiểm tra thường xuyên, khơi cao rãnh để tránh ngập úng khi mưa to. Cây gừng làm sạch cỏ, nhổ và thu gom những cây bị bệnh đem ra khỏi vườn đồi để tiêu hủy. Kiểm tra rừng hồi thường xuyên, phát hiện sớm những diện tích bị hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Vệ sinh rừng hồi đang nhiễm bệnh, tiêu hủy những cành lá bị bệnh rụng xuống để tránh lây lan ra diện rộng.../.

Lý Dũng

Xem thêm