Chợ Đồn khuyến khích phát triển chăn nuôi đại gia súc

Huyện Chợ Đồn vừa ban hành Nghị quyết thông qua cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện Đề án khuyến khích hỗ trợ chăn nuôi vỗ béo trâu, bò, ngựa và phát triển trâu, bò sinh sản trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025. 

Mô hình chăn nuôi bò vỗ béo của Hợp tác xã Rượu men lá Thanh Tâm (xã Bằng Phúc)
Mô hình chăn nuôi bò vỗ béo của Hợp tác xã Rượu men lá Thanh Tâm (xã Bằng Phúc)

Thực trạng chăn nuôi 

Năm 2016, tổng đàn trâu, bò của huyện Chợ Đồn có trên 11.000 con, đến năm 2020 tổng đàn chỉ còn khoảng 8.200 con, giảm hơn 3.000 con. Nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh kéo dài, nhiều nơi thiếu nhân lực để duy trì và phát triển đàn; phương thức thay đổi trong sản xuất từ cày kéo đơn thuần sang áp dụng cơ giới hóa nên nhiều hộ dân bán dần vật nuôi. Ngoài ra, giá cả thị trường biến động, chất lượng con giống thấp... cũng là nguyên do khiến tổng đàn giảm.

Bên cạnh những khó khăn, hạn chế, hoạt động chăn nuôi mấy năm gần đây vẫn có chuyển biến nhất định. Nhiều hộ dân đã chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, tự cung, tự cấp sang chăn nuôi chuyên biệt, sản xuất hàng hóa dưới hình thức trang trại, bán công nghiệp và công nghiệp gắn với an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường. Điển hình như: HTX Rượu men lá Thanh Tâm (xã Bằng Phúc) với mô hình chăn nuôi trâu, bò khép kín; HTX Việt Hoàng (xã Yên Thịnh) với mô hình chăn nuôi dê...

Từ năm 2016 đến nay, nhiều xã trên địa bàn đã chuyển đổi sang nuôi trâu, bò vỗ béo. Hiện có khoảng 83 hộ đang áp dụng hình thức nuôi nhốt, tập trung tại các xã: Phương Viên, Đồng Thắng, Xuân Lạc, Bằng Lãng, Quảng Bạch, Bằng Phúc, Tân Lập, Yên Thịnh.

Cơ cấu con giống cũng được chú trọng. Giai đoạn 2017 - 2020, huyện Chợ Đồn đã hỗ trợ mua trâu đực giống khác huyết thống với số lượng 10 con tại các xã Xuân Lạc, Quảng Bạch. Hiện số trâu đực này đang được các hộ nuôi giữ để làm giống. Trên địa bàn còn có giống bò vàng, bò Mông, bò lai Sind, bò BBB đực... được hỗ trợ từ nhiều dự án, chương trình khác nhau; các giống ngựa bản địa như ngựa màu vàng và ngựa bạch, nhiều hộ còn nhập giống từ nơi khác về nuôi vỗ béo, lai giống.

Tập trung thực hiện Đề án

Nhằm tạo ra thay đổi lớn về nhận thức trong phát triển chăn nuôi, sử dụng tối đa tiềm năng lợi thế diện tích hiện có, phát triển nhanh trâu, bò vỗ béo theo hướng thâm canh gắn với bảo vệ môi trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành Nông nghiệp, tạo sinh kế cho người dân, huyện Chợ Đồn đã ban hành nghị quyết thông qua Đề án khuyến khích hỗ trợ chăn nuôi trâu, bò, ngựa và phát triển trâu, bò sinh sản trên địa bàn. Đây là đề án có ý nghĩa rất lớn đối với mục tiêu giảm nghèo của địa phương trong giai đoạn 5 năm tới.

Theo đó, huyện phấn đấu đến năm 2025 duy trì tổng đàn trâu, bò, ngựa trên 8.000 con, tăng giá trị trên 20 tỷ đồng/năm; khoảng 125 hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo bền vững; 300 hộ, 10 tổ chức được tiếp cận chính sách; mỗi địa phương có ít nhất 01 mô hình vỗ béo theo hướng thâm canh. Giai đoạn 5 năm, kinh phí thực hiện Đề án là hơn 11 tỷ đồng (bao gồm ngân sách huyện và Nhân dân đối ứng). Phương thức thực hiện hỗ trợ sau đầu tư, mức hỗ trợ 63% chi phí mua giống trâu, bò sinh sản, 70% mua vật tư cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, mới thoát nghèo; đối với các hộ khác, sẽ hỗ trợ mua vật tư từ 50-70%.

Đồng chí Đặng Đình Phong- Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: "UBND huyện đang xây dựng kế hoạch cụ thể, giao cho các xã tuyên truyền, phổ biến kịp thời nội dung của Đề án, tuyên truyền vận động người dân thay đổi phương thức nhỏ lẻ thành các gia trại, trang trại, tổ hợp tác, HTX. Hướng dẫn áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, chăn nuôi an toàn. Đẩy mạnh trồng cỏ, chế biến phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho vật nuôi. Xây dựng các mô hình chăn nuôi khép kín, phân khúc theo từng giai đoạn sinh trưởng để tạo sản phẩm hàng hóa lớn, thúc đẩy xây dựng các chuỗi liên kết, xúc tiến thương mại..."./.

Thu Trang

Xem thêm