Các HTX ở Ba Bể chú trọng chế biến nông sản để nâng cao giá trị

Ứng dụng công nghệ hiện đại để chế biến nông sản địa phương đã và đang được một số HTX trên địa bàn huyện Ba Bể chú trọng đầu tư, hướng tới nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững.

Trên địa bàn huyện Ba Bể có khoảng 28 hợp tác xã (HTX) đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh việc liên kết với các hộ dân trồng, tiêu thụ các sản phẩm tươi như quả hồng không hạt, bí xanh thơm, chuối, rau đặc sản..., các HTX đã và đang đầu tư máy móc chế biến sâu nhằm gia tăng giá trị kinh tế.

HTX Yến Dương chế biến sản phẩm trà bí thơm bằng phương pháp sấy nóng.
HTX Yến Dương chế biến sản phẩm trà bí thơm bằng phương pháp sấy nóng.

Mục tiêu sản xuất, kinh doanh của HTX Hoàng Huynh, xã Khang Ninh là tập trung chế biến nông sản địa phương, chủ động tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. HTX đã thành công với các sản phẩm chủ lực, được xếp hạng 3 sao OCOP cấp tỉnh, như: Chuối sấy dẻo, trà thảo dược giảo cổ lam, thịt trâu khô. Anh Hoàng Văn Huynh- Giám đốc HTX Hoàng Huynh cho biết: Các sản phẩm của HTX liên kết với các hộ dân chủ yếu là rau, quả, thịt tươi, nên việc bảo quản, vận chuyển tiêu thụ sẽ khó khăn. Do đó, HTX tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh theo hướng chế biến nông sản để giữ cho sản phẩm được lâu, dễ bảo quản và vận chuyển mà không bị ảnh hưởng chất lượng.

Hiện nay, HTX Hoàng Huynh liên kết với 25 hộ dân địa phương trồng 30ha chuối và 20 hộ dân trồng giảo cổ lam để cung ứng nguyên liệu cho sản xuất. Từ nguồn vốn theo Nghị quyết 08/2019/HĐND, chương trình khuyến công và Hội Nông dân tỉnh, HTX đã được hỗ trợ hơn 300 triệu đồng để mua máy móc phục vụ chế biến nông sản. Với công suất của 5 máy sấy, mỗi tháng HTX sấy được 4 - 5 tấn giảo cổ lam tươi và khoảng 15 tấn chuối tươi. Riêng năm 2020, HTX xuất bán ra thị trường 10 tấn chuối sấy dẻo, khoảng 5 tạ trà giảo cổ lam. Các sản phẩm đều được đóng hộp, ép chân không, có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, đặc biệt là khách du lịch khi đến với địa phương.

Đóng hộp sản phẩm trà bí thơm tại HTX Yến Dương.
Đóng hộp sản phẩm trà bí thơm tại HTX Yến Dương.

Năm 2021, sản phẩm bí thơm của người dân xã Yến Dương được mùa, sản lượng cao hơn so với mọi năm. Tuy nhiên trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp kéo dài khiến cho việc tiêu thụ bí xanh khó khăn. Trước tình hình đó, HTX Yến Dương đã chủ động kết nối với các đơn vị đầu mối, cửa hàng thực phẩm sạch để tiêu thụ bí xanh tươi cho bà con, đồng thời phối hợp với các cơ quan chuyên môn tìm hiểu, nghiên cứu và đầu tư máy móc để chế biến sản phẩm trà bí thơm. Đến thời điểm này, HTX Yến Dương đã thu mua khoảng 25 tấn quả bí xanh để chế biến và đưa ra thị trường hơn 5.000 hộp trà bí thơm. Với mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, an toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm được phân phối tại các tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Nội, Nghệ An, Yên Bái, Hòa Bình... Dự kiến từ nay đến cuối năm, HTX sẽ thu mua trên 70 tấn bí xanh của bà con để chế biến trà bí đóng hộp. Việc sử dụng phương pháp sấy đã mang lại hiệu quả rõ rệt, chủ động trong bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Chị Ma Thị Ninh- Giám đốc HTX Yến Dương chia sẻ: "Mục tiêu của HTX không chỉ dừng lại ở việc tiêu thụ sản phẩm tươi cho bà con, mà chúng tôi hướng đến chế biến sâu để nâng cao giá trị của quả bí thơm Ba Bể. Việc sản xuất thành công sản phẩm trà bí thơm là hướng đi lâu dài, từ đó tạo ra chuỗi liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ, giữa HTX và nông dân trên địa bàn".

Vấn đề tiêu thụ nông sản hiện đang được cấp ủy, chính quyền huyện Ba Bể đặc biệt quan tâm. Việc các HTX mạnh dạn đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại để chế biến nông sản rất cần được khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị nông sản địa phương, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững./.

H.Thanh

Xem thêm