Triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, đến ngày 17/8, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã gây chết 3.841 con, bằng 174,6 tấn, tăng 592 con so với thời điểm ngày 13/7.

Toàn tỉnh có 60 xã/7 huyện, thành phố xuất hiện DTLCP, trong đó: 25 xã đã công bố hết dịch; 13 xã không phát sinh ổ dịch mới; 22 xã chưa qua 21 ngày.

Bệnh viêm da nổi cục (VDNC) xảy ra tại 73 xã/8 huyện, thành phố làm 2.723 con trâu, bò mắc bệnh, tăng 01 xã và 376 con so với ngày 13/7. Hiện 22 xã đã công bố hết dịch; 15 xã có trâu, bò khỏi bệnh đã qua 21 ngày; 36 xã chưa qua 21 ngày. Toàn tỉnh đã kết thúc tiêm phòng bệnh VDNC đợt 1 trong tháng 6/2021, với 7.743 vật nuôi được tiêm. Dự kiến tiêm phòng VDNC đợt 2 là 5.400 liều vắc xin, hoàn thành trong tháng 9/2021.

Tiêu hủy lợn tại xã Vân Tùng (Ngân Sơn).
Tiêu hủy lợn tại xã Vân Tùng (Ngân Sơn).

Ông Đỗ Xuân Việt- Chi Cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Đối với DTLCP hiện nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh. Cùng với đó, công tác phòng, chống dịch tại một số địa phương còn bộc lộ một số tồn tại, bất cập. Nhiều hộ chăn nuôi không thực hiện tốt công tác vệ sinh phòng dịch, chưa áp dụng triệt để các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, cách ly gia súc mắc bệnh; chưa tổ chức kiểm soát tốt việc vận chuyển, mua bán, tiêu thụ lợn giống, lợn thịt nên dịch bệnh chưa giảm. Đối với bệnh VDNC, toàn tỉnh đã tiêm xong đợt 1 nhưng số lượng không nhiều, chỉ có 8.000 liều vắc xin, trong khi đó đàn trâu, bò của tỉnh rất lớn.

Trước tình hình dịch bệnh lây lan trên đàn vật nuôi chưa giảm, UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo các cấp, ngành liên quan, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch tại các địa phương; kịp thời phát hiện những hạn chế, yếu kém trong công tác phòng, chống dịch bệnh và đề xuất biện pháp khắc phục.

Sở NN&PTNT thành lập các đoàn công tác, đội phản ứng nhanh để kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo các huyện, thành phố thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh. Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương theo dõi, giám sát chặt chẽ, tổng hợp tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn, đặc biệt đối với DTLCP, VDNC trên trâu, bò, bảo đảm phát hiện sớm, chủ động kịp thời chỉ đạo và báo cáo, tham mưu các giải pháp chống dịch hiệu quả.

Các địa phương tập trung nguồn lực triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để kiểm soát, tiêu hủy, xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để dịch kéo dài, lây lan và phát sinh ổ dịch mới; chỉ đạo các phòng chuyên môn tập trung hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, sát trùng tiêu diệt các tác nhân truyền bệnh (muỗi, ve, mòng,...) tại khu vực chăn nuôi; bổ sung chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho gia súc; tổ chức thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh VDNC trên đàn trâu, bò theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Đồng thời, chỉ đạo các xã rà soát, thống kê tổng đàn, hộ chăn nuôi trâu, bò, lợn trên địa bàn và hướng dẫn người chăn nuôi chủ động giám sát, kịp thời phát hiện gia súc mắc bệnh tại các khu vực đã từng xuất hiện dịch bệnh…

Có thể nói, dịch bệnh lây lan trên đàn vật nuôi đã và đang gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi trong tỉnh. Với sự chỉ đạo kịp thời và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành chức năng và người chăn nuôi, hy vọng dịch bệnh sẽ được nhanh chóng đẩy lùi, bảo vệ an toàn đàn gia súc./.

P – Q

Xem thêm