Thành phố Bắc Kạn tăng cường quản lý, bảo vệ và PCCC rừng

Những năm qua, thành phố Bắc Kạn chú trọng nâng cao ý thức của Nhân dân trong công tác quản lý, bảo vệ, PCCC rừng; tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý các vụ vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ rừng.

Hạt Kiểm lâm TP. Bắc Kạn và Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp trồng cây xanh tại khu vực đất lâm nghiệp do cơ sở quản lý tại tổ 1A, phường Đức Xuân.
Hạt Kiểm lâm TP. Bắc Kạn và Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp trồng cây xanh tại khu vực đất lâm nghiệp do cơ sở quản lý tại tổ 1A, phường Đức Xuân.

Ông Đinh Tiến Toàn- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thành phố Bắc Kạn cho biết: Thành phố có hơn 2.200ha diện tích rừng phòng hộ; hơn 4.580ha rừng tự nhiên và gần 5.000ha rừng trồng. Hằng năm, Hạt Kiểm lâm tham mưu cho UBND thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn, đồng thời bám sát cơ sở, thường xuyên tuần tra, kiểm tra các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao trong những ngày nắng nóng, khô hanh kéo dài để kịp thời chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra. Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng, các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng, PCCC rừng; hướng dẫn chủ rừng xây dựng phương án, kế hoạch quản lý bảo vệ, PCCC rừng...

Thành phố Bắc Kạn có khu rừng nghiến Nà Noọc, thuộc phường Xuất Hóa, giáp ranh với xã Tân Sơn (Chợ Mới), diện tích hơn 500ha, được quy hoạch là rừng phòng hộ, hiện nay đã được phê duyệt là khu cảnh quan Thác Giềng 1. Khu rừng Nà Noọc có 3 chỏm tập trung nhiều cây gỗ nghiến, tính đa dạng sinh học cao, gần với Quốc lộ 3 nên nguy cơ xảy ra cháy rừng và phá rừng cao. Do đó, công tác quản lý, bảo vệ thường xuyên được tăng cường. Khu rừng này hiện nay được giao cho tổ 7, phường Xuất Hóa nhận khoán bảo vệ. 

Còn tại khu Khau Mồ có hơn 300ha rừng tự nhiên và rừng phòng hộ, được giao cho 03 tổ nhận khoán bảo vệ. Ngoài việc mỗi ngày tổ nhận khoán bảo vệ đi tuần rừng, hằng tuần cán bộ Hạt Kiểm lâm thành phố thường xuyên thực hiện tuần tra đột xuất riêng lẻ hoặc phối hợp với tổ nhận khoán bảo vệ kiểm tra, tuần rừng. Theo đánh giá của Hạt Kiểm lâm thành phố, từ khi rừng được giao khoán cho các tổ quản lý, bảo vệ, tình trạng chặt phá rừng trái phép không còn xảy ra như trước đây.

Từ đầu năm đến nay, kiểm lâm địa bàn đã phối hợp với các tổ nhận khoán bảo vệ rừng thực hiện 50 lượt kiểm tra diện tích rừng tự nhiên quy hoạch rừng phòng hộ và diện tích rừng tự nhiên đã giao cho chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân quản lý. Qua tuần tra, kiểm tra, phát hiện 06 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, cụ thể: 03 vụ phá rừng với tổng diện tích rừng bị thiệt hại là 0,4289ha, tịch thu 14,446m3 gỗ tròn, 02 cưa xăng; 01 vụ tàng trữ lâm sản trái pháp luật, tịch thu 1,007m3 gỗ tròn; 01 vụ vi phạm quy định về quản lý hồ sơ lâm sản và 01 vụ khai thác rừng trái pháp luật, tịch thu 3,115m3 gỗ tròn các loại. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 184 triệu đồng. So với cùng kỳ năm 2020, số vụ vi phạm giảm 04 vụ. Xảy ra 02 vụ cháy dưới tán rừng trồng, ngay khi phát hiện, UBND xã, phường cùng với Kiểm lâm, Công an, Quân sự huy động người, phương tiện chữa cháy kịp thời nên không gây thiệt hại lâm sản; tổ chức 12 cuộc tuyên truyền, phổ biến một số quy định trong lĩnh vực lâm nghiệp cho hơn 750 lượt người dân, các chủ sơ sở chế biến lâm sản và các hộ nuôi nhốt động vật hoang dã trên địa bàn.

Thời gian tiếp theo, Hạt Kiểm lâm thành phố Bắc Kạn tiếp tục kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn các chủ rừng, người dân về công tác quản lý, bảo vệ và PCCC rừng. Duy trì trực PCCC rừng trong những ngày nguy cơ cháy rừng cao, mục tiêu phòng cháy là chính, chữa cháy phải kịp thời, đảm bảo phát hiện sớm và chữa cháy kịp thời khi xảy ra cháy rừng. Ban Chỉ huy PCCC rừng xã, phường và chủ rừng theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, khi có thông tin cấp dự báo cháy rừng thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin của địa phương để mọi người dân, chủ rừng biết và chủ động PCCC; duy trì trực 24/24h trong những tháng mùa khô; thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến lâm sản trên địa bàn đảm bảo đúng quy định…/.

Tùng Vân

Xem thêm