Quản lý quy hoạch, kiến trúc cần có tầm nhìn dài hạn, bài bản

Trong xây dựng và phát triển đô thị hiện nay, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc có vai trò rất quan trọng, bởi đây là vấn đề vừa mang tính chiến lược nhưng phải đi trước một bước làm cơ sở cho đầu tư xây dựng các công trình, chỉnh trang và phát triển của địa phương... 

Những năm qua, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã triển khai lập và phê duyệt nhiều đồ án quy hoạch xây dựng như: Quy hoạch hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn của tỉnh; quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết của 09 đô thị bao gồm thành phố, thị trấn, trung tâm huyện lỵ và quy hoạch xây dựng nông thôn mới của các xã trong toàn tỉnh. 

Cảnh quan của thành phố Bắc Kạn .
Cảnh quan của thành phố Bắc Kạn .

Ngoài ra còn lập quy hoạch xây dựng cho các khu chức năng như: Khu công nghiệp Thanh Bình, các cụm công nghiệp, khu du lịch hồ Ba Bể… Tất cả các quy hoạch xây dựng được duyệt là công cụ hữu ích cho quản lý nhà nước về xây dựng, góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, tạo nên diện mạo mới cho đô thị và nông thôn của tỉnh hiện nay. 

Nhìn lại công tác quy hoạch xây dựng đô thị từ năm 1997, tỉnh Bắc Kạn đã cho lập lại quy hoạch chung xây dựng đô thị của 09 đô thị giai đoạn 2000-2010 tầm nhìn đến năm 2020. Năm 2010, tỉnh đã tổ chức lập lại và điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đô thị của cả 09 đô thị giai đoạn quy hoạch chung xây dựng là 2010-2020, định hướng đến năm 2030 và được phê duyệt năm 2012. Các đồ án quy hoạch chung này đã được công bố, công khai, triển khai cắm mốc giới ở một số khu vực trung tâm đô thị và triển khai thực hiện theo quy hoạch được duyệt. Hiện nay, các địa phương đã và đang tiến hành rà soát, điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới (giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2050); hiện tại có 01 đô thị được phê duyệt đồ án quy hoạch (trung tâm xã Vân Tùng, Ngân Sơn), 02 đô thị được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch (thị trấn Yến Lạc, Na Rì; thị trấn Bằng Lũng, Chợ Đồn) và hiện đang lập đồ án quy hoạch, các đô thị còn lại đã có chủ trương và hiện đang nghiên cứu lập nhiệm vụ quy hoạch.

Công tác thiết kế, quản lý kiến trúc đô thị trên địa bàn tỉnh cũng ngày càng được quan tâm, nhờ đó, diện mạo đô thị đã thay đổi cả về hình thức kiến trúc, tính hiện đại, công nghệ xây dựng, tính hội nhập và đặc biệt tính tuân thủ quy định pháp luật nhà nước về quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn an toàn phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường. Các đồ án quy hoạch được phê duyệt đều có quy chế, quy định quản lý về quy hoạch, không gian kiến trúc cảnh quan và đánh giá môi trường. Tại khu trung tâm đô thị, các tuyến phố chính, các khu đô thị mới đều có quy định thiết kế về tầng cao, độ vươn của ban công, khoảng lùi của công trình, việc thiết kế kiến trúc, xây dựng các công trình trong đô thị cơ bản tuân thủ theo quy chế quản lý đô thị được ban hành…

Tuy nhiên, nhìn chung kiến trúc của các công trình trên địa bàn tỉnh chưa có công trình tiêu biểu mang đậm nét bản sắc dân tộc. Các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước chủ yếu là các công trình công sở hành chính, sự nghiệp như trụ sở cơ quan, trạm y tế, trường học... Các công trình này thường có quy mô nhỏ, kiến trúc thường tuân thủ theo các mô đun đã có. Tại khu vực nông thôn, nhà ở của người dân, tình hình xây dựng còn phức tạp, thiếu quản lý, thiếu hướng dẫn định hướng cho kiến trúc trong xây dựng, vì vậy cấu trúc làng xã đã biến dạng, kiến trúc pha tạp đang làm mất dần bản sắc.

Để đáp ứng yêu cầu quản lý xây dựng, phát triển đô thị nông thôn và đẩy mạnh thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn tới, công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc xây dựng của Bắc Kạn cần được nâng cao hơn nữa cả về quy mô và chất lượng, có trọng tâm, có chiều sâu hơn nhưng phải đủ linh hoạt để đảm bảo tính khả thi. Quản lý chặt chẽ công tác thiết kế kiến trúc, đặt trong mối liên hệ với cảnh quan khu vực, sử dụng vật liệu công trình thông qua công tác thẩm định, quyết định đầu tư dự án và giấy phép xây dựng công trình. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tư vấn xây dựng, kiến trúc, quy hoạch trên địa bàn tỉnh cũng cần tự nâng cao năng lực, chú trọng công tác tuyển dụng, đào tạo nhân lực, thu hút lực lượng kiến trúc sư trong và ngoài tỉnh tham gia, đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng uy tín, phối kết hợp với các đơn vị lớn ngoài tỉnh, nhằm đóng góp cho tỉnh những sản phẩm quy hoạch, kiến trúc có tính thẩm mỹ, mang đậm dấu ấn bản sắc, đặc điểm riêng có của tỉnh Bắc Kạn.

Đồng chí Hà Minh Cương- Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Sở sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan, tiếp tục nghiên cứu phương án tiếp nhận tài trợ quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh và hướng dẫn thực hiện thống nhất; tham mưu những nội dung thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh theo quy định; tham mưu xây dựng Quy chế quản lý kiến trúc đối với các đô thị; tham mưu phân cấp cho UBND các huyện, thành phố phê duyệt, ban hành Quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn theo quy định. Đồng thời, thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về công tác quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc; quản lý chặt chẽ kiến trúc công trình về cả hình thức kiến trúc, quy mô công trình, vật liệu công trình và mối liên hệ với cảnh quan khu vực thông qua hồ sơ dự án, thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công và giấy phép xây dựng công trình. Đối với các công trình lớn, trọng điểm, quan trọng sẽ thi tuyển để chọn phương án kiến trúc phù hợp...

Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới là cần thiết. Vì vậy, cần có sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự tham gia tích cực của Nhân dân, cộng đồng, doanh nghiệp, các nhà đầu tư tham gia xây dựng hạ tầng đô thị và nông thôn; hướng tới Bắc Kạn là một tỉnh có quy hoạch xây dựng đồng bộ, có nền kiến trúc cảnh quan hiện đại, xanh, sạch, đẹp, giữ gìn và bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, đóng góp chung trong sự phát triển của tỉnh Bắc Kạn./.

Bích Ngọc

Xem thêm