Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Văn Lang

Ứng dụng khoa học kỹ thuật, thay thế tập quán canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thâm canh tăng vụ là những giải pháp mà xã Văn Lang (Na Rì) đang thực hiện, giúp giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo cho người dân.

HTX Văn Lang HT chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu.

HTX Văn Lang HT chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu.

Được sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước về kết cấu hạ tầng, sản xuất nông nghiệp… bức tranh nông nghiệp, nông thôn và đời sống người dân xã Văn Lang có nhiều khởi sắc. Đường từ trung tâm xã đến các thôn được bê tông hóa, nhà văn hóa, các công trình thủy lợi được kiên cố. Dọc hai bên đường trục chính của xã nhiều ngôi nhà khang trang mọc lên, các hộ dân có điều kiện mua sắm máy móc cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, nhận thức về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, liên kết sản xuất và tiêu thụ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất trở thành việc làm thường xuyên.

Đồng chí Mã Ngọc Quốc- Chủ tịch UBND xã cho biết: Văn Lang được sáp nhập từ hai xã Lạng San và Ân Tình theo Nghị Quyết 855/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Xã hiện có 736 hộ dân, đời sống của bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Trước đây, nhiều hộ dân quen với tập quán canh tác lạc hậu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất không nhiều. Một số hộ còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Để giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất, xã tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Phối hợp với cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật cho bà con.

Anh Hoàng Văn Luân ở thôn Phiêng Ban là người tiên phong đưa cây dược liệu về trồng tại Văn Lang. Khi xã có chủ trương chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng những loại cây có hiệu quả kinh tế cao, anh đã đầu tư trồng gần 1ha cây cà gai leo. Sau 4 tháng trồng, cây cà gai leo phát triển tốt, cho thu hoạch gần 80 tạ cây khô/ha. Theo anh Luân, cà gai leo có thời gian sinh trưởng ngắn, từ lúc trồng đến khi thu hoạch chỉ mất khoảng 4-5 tháng, nếu áp dụng đúng quy trình kỹ thuật có thể thu hoạch hàng chục tấn thân và lá, với giá bán 30.000 đồng/kg, thì lợi nhuận mỗi năm hàng trăm triệu đồng, hiệu quả gấp nhiều lần so với trồng lúa.

Thành công từ mô hình trồng dược liệu, năm 2016, anh Luân thành lập HXT trồng và sản xuất dược liệu Bảo Châu. HTX hiện đã phát triển thêm hơn 5ha cây dược liệu (cà gai leo, khôi nhung tía, giảo cổ lam). Để nâng cao giá trị sản phẩm, HTX còn nghiên cứu, chiết xuất cao cà gai leo, trà cà gai leo túi lọc. Các sản phẩm đều có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ và đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Còn ở thôn Nà Diệc và To Đoóc, anh Phan Văn Hữu cùng 13 thành viên thành lập HTX Văn Lang HT, mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng trồng dược liệu như: Cà gai leo, hà thủ ô, xạ đen, cát sâm, kim ngân hoa. Anh Hữu chia sẻ: Ban đầu anh chỉ tập trung trồng cà gai leo, đến năm 2020, nhận thấy nhiều loại cây dược liệu mọc tự nhiên ở địa phương, anh đã tìm hiểu để trồng, mở rộng dần diện tích và chủng loại. Riêng cây cà gai leo sau hơn 2 năm trồng đã cho thu hoạch nhiều đợt, 2ha cà gai leo cho thu nhập trên 500 triệu đồng; 2ha cây cát sâm cho thu nhập trên 200 triệu đồng/ha… Các sản phẩm đều liên kết bao tiêu với cơ sở dược liệu ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Hiện, trên địa bàn xã Văn Lang trồng hơn 10ha cây dược liệu, đây là hướng đi được xã khuyến khích phát triển. Các loại cây ăn quả cũng được người dân đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, cho năng suất cao. Toàn xã hiện có 33ha cây ăn quả, chủ yếu là hồng không hạt, cam, quýt, trong đó diện tích cho thu hoạch gần 6ha, năng suất đạt khoảng 5 tấn/ha. Năm 2020, xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng được 27ha, với các cây trồng như: Dong riềng, thanh long, táo đại và dược liệu… chủ yếu trồng trên đất ruộng, soi bãi và đất đồi.

Có thể thấy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Văn Lang đã thay đổi từ hình thức sản xuất nhỏ lẻ sang mô hình kinh tế tập thể, qua đó góp phần nâng cao thu nhập và giảm nghèo. Đến hết năm 2020, thu nhập bình quân của xã đạt 31 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 23%.

Đồng chí Mã Ngọc Quốc- Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: Thời gian tới, xã tập trung tuyên truyền vận động bà con tiếp tục chuyển đổi các cây trồng phù hợp, từng bước quy hoạch thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, như: Vùng trồng cây dược liệu ở các thôn Nà Diệc, Nà Dường, To Đoóc, Phiêng Bang; vùng trồng cây ăn quả ở các thôn Bản Kén, Chợ Mới; vùng nuôi thủy sản ở các thôn Nà Lẹng, Nà Toản… Đồng thời liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm để nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần hoàn thành tiêu chí Thu nhập, đưa xã về đích nông thôn mới vào năm 2022 theo lộ trình./.

Đồng Lai

Xem thêm