Chợ Đồn khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai

Trước tình hình thiệt hại về nhà cửa, hoa màu, sạt lở đất… do mưa lớn những ngày qua, huyện Chợ Đồn đang khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm sớm ổn định đời sống, sản xuất của bà con nhân dân trên địa bàn.

Nhiều diện tích cây trồng tại Nam Cường ngập trong nước

Là một trong những xã có diện tích cây lương thực thiệt hại nặng nhất sau đợt mưa lớn ngày 24 và 25/8 vừa qua, vài chục héc-ta ruộng lúa, ngô của Nam Cường đều chìm trong nước. Thời điểm chúng tôi đến, nước vẫn chưa rút. Toàn bộ cánh đồng lúa tại khu Bản Chảy, Nà Mèo, Bản Mới, Cốc Lùng bao la nước, chỗ sâu nhất cũng vài mét, diện tích lúa, ngô của bà con vừa trồng cách đây hơn 1 tháng thì nay gần như bị hỏng.

Ruộng lúa hơn 2.000m2 của chị Triệu Thị Thái, thôn Phiêng Cà bị ngập nước chỉ sau một đêm. Nước từ thượng nguồn đổ về khiến cho không chỉ đám ruộng của chị mà cả các hộ kế bên đều chìm trong nước. “Không chỉ có lúa bị mất trắng còn cả chiếc máy bơm đang để ngoài đồng giờ cũng hỏng. Đã 3 năm rồi ở đây mới lại bị ngập úng, vụ này coi như chẳng vớt vát được gì”, chị Thái bùi ngùi.

Toàn bộ diện tích lúa, ngô tại xã Nam Cường ngập sâu trong nước.
Toàn bộ diện tích lúa, ngô tại xã Nam Cường ngập sâu trong nước.

Vụ mùa năm nay, xã Nam Cường cấy được 154ha lúa, 49ha ngô. Sau trận mưa lớn mấy ngày qua đã có hơn 45ha cây lương thực bị thiệt hại, trong đó có hơn 20ha ngô, 25ha lúa, toàn bộ diện tích này coi như là hỏng vì ngâm nước quá lâu. Đồng chí Mã Đức Thắng- Phó Chủ tịch UBND xã Nam Cường cho biết: “Diện tích lúa đã bước vào giai đoạn đẻ nhánh, ngô chuẩn bị bón thúc, toàn bộ diện tích cây lương thực tại vùng thấp gần như bị ngập nước, không còn khả năng thu hoạch. Trước mắt, chúng tôi tuyên truyền, vận động bà con hạn chế ra sông vớt củi, đồng thời chờ nước rút sẽ chỉ đạo bà con trồng các loại cây phù hợp thời vụ”.

Xã Nam Cường thường xuyên bị ngập úng khi bước vào mùa mưa, do địa hình nơi đây trũng, thấp nên toàn bộ nước, kênh rạch, suối từ khu vực các xã Ngọc Phái, Quảng Bạch đổ về đây quá lớn. Hơn nữa, tại khu vực này chỉ có mỗi hang Pác Chản là nơi thoát nước duy nhất qua hồ Ba Bể nên khi lượng nước đổ về nhanh thì nước không kịp thoát. Với những bất lợi như vậy, việc thu hoạch cây trồng của bà con tại đây gần như là phụ thuộc vào thời tiết.

Tập trung khắc phục hậu quả

Trận mưa lớn rạng sáng 24 và rạng sáng 25/8 vừa qua đã khiến cho Chợ Đồn thiệt hại không nhỏ về tài sản, hoa màu, sạt lở đất xảy ra ở nhiều vị trí trên Quốc lộ 3C và thị trấn Bằng Lũng. Theo thống kê của huyện, có khoảng 50ha cây màu bị ngập nước, trong đó xã Nam Cường bị thiệt hại nặng nhất với 45ha; 5 nhà dân ở các xã Quảng Bạch, Ngọc Phái, Yên Mỹ bị đất sạt lở. Chị Đặng Thị Dần ở thôn Khuổi Đăm (xã Quảng Bạch) là hộ có đất sạt lở vào nhà, khối lượng đất taluy dương lở xuống khiến cho tường nhà, khu vệ sinh bị nứt, nguy cơ đổ rất cao. Ngôi nhà cấp IV mới xây cách đây hơn 1 năm nay hiện phải sửa chữa. Hiện gia đình chị phải tạm thời di chuyển đi ở nơi khác để đảm bảo an toàn và thuê máy xúc khắc phục phần đất sạt vào nhà.

Đất sạt xuống phía sau nhà chị Đặng Thị Dần, thôn Khuổi Đăm (xã Quảng Bạch).
Đất sạt xuống phía sau nhà chị Đặng Thị Dần, thôn Khuổi Đăm (xã Quảng Bạch).

Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn Đặng Đình Phong cho biết: “Chúng tôi đã cử các thành viên trong Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện phối hợp với các xã thăm nắm, chỉ đạo khắc phục theo phương châm “4 tại chỗ”. Xã Nam Cường thiệt hại nhiều nhất về cây lương thực, huyện chỉ đạo bà con chờ nước rút sẽ tiến hành trồng các loại cây ngắn ngày. Khu vực đèo Khau Thăm (xã Ngọc Phái) có khối lượng đất sạt lở lớn, gây nguy hiểm cho phương tiện và người qua lại, địa phương đã báo cáo với cơ quan quản lý sớm khắc phục. Đối với nhà ở của người dân bị đất sạt lở, chỉ đạo các xã chủ động hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình ổn định cuộc sống”.

Thời điểm này đang bước vào cao điểm của mùa mưa, thời tiết diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Ngành chức năng huyện khuyến cáo bà con thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, hạn chế di chuyển qua các cung đường cao dốc, có nhiều vị trí sạt trượt, đá lăn để tránh rủi ro. Các xã cần chủ động, vận động di dời các hộ dân trong vùng có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn. Hạn chế đánh bắt cá, vớt củi khi lũ lớn, nước dâng cao, chủ động bảo vệ tính mạng, tài sản.../.

Thu Trang

Xem thêm