Bạch Thông tập trung chăm sóc lúa mùa

Thời tiết hiện nay thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng, phát triển nhưng cũng là điều kiện cho sâu bệnh phát sinh, gây hại. Do vậy, người dân huyện Bạch Thông đang tập trung cao độ chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa mùa.

Người dân xã Quân Hà phun thuốc trừ sâu cuốn lá hại lúa.
Người dân xã Quân Hà phun thuốc trừ sâu cuốn lá hại lúa.

Vụ mùa năm 2021, huyện Bạch Thông gieo cấy được 1.732ha, đạt 100% kế hoạch với cơ cấu giống lúa Bao thai chiếm đa số. Trong đó có 300ha lúa mùa sớm tại các xã vùng cao là Sỹ Bình, Vũ Muộn và Cao Sơn. Lúa mùa sớm đang trong giai đoạn đứng cái, ôm đòng, còn lúa mùa chính vụ ở giai đoạn đẻ nhánh rộ, một số diện tích đã kết thúc đẻ nhánh. Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết, trên các diện tích lúa mùa đang xuất hiện một số sâu bệnh gây hại như: Bọ rầy, sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn lá… Cụ thể, bọ rầy gây hại rải rác ở các xã, thị trấn trên cả hai trà lúa; mật độ phổ biến 100 - 200 con/m2, cục bộ trên giống lúa nếp, các giống lúa thơm mật độ 1.500 con/m2; diện tích nhiễm nhẹ 8ha. Sâu đục thân gây hại trên trà lúa mùa sớm và các giống ngắn ngày của trà chính vụ tại các xã Sỹ Bình, Vũ Muộn, Cao Sơn, Đôn Phong; mật độ trứng cục bộ 0,4 ổ/m2, diện tích nhiễm 3ha. Bệnh đạo ôn lá gây hại các giống lúa đài thơm 8, C70, nếp trên cả hai trà lúa thuộc cá xã Lục Bình, Sỹ Bình, Vũ Muộn, Cao Sơn, Đôn Phong... tỷ lệ lá bị hại phổ biến 1 - 2%, cục bộ 10%; diện tích nhiễm nhẹ khoảng 2ha. Ngay sau khi phát hiện các loại sâu bệnh gây hại nêu trên, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã gửi thông báo cho các xã để chỉ đạo Nhân dân chủ động phòng trừ.

Dù đang đi làm công nhân nhưng biết tin diện tích lúa của gia đình bị sâu bệnh gây hại, anh Hà Văn Công, thôn Nà Lẹng, xã Quân Hà vẫn tranh thủ về phun thuốc phòng trừ. Anh Công cho biết: "Vụ mùa năm nay, gia đình tôi gieo cấy được 2.200m2 giống lúa Bao thai và 400m2 lúa nếp. Do các thửa ruộng trước đó trồng ngô, lượng đạm, lân trong đất vẫn còn nên khi cấy không cần bón lót. Hiện nay, cả diện tích lúa Bao thai và nếp của gia đình trong giai đoạn đẻ nhánh rộ. Tuy nhiên, trên cây lúa xuất hiện bọ rầy và sâu cuốn lá với mức độ gây hại nhẹ". Theo khuyến cáo của xã, anh Công đã mua thuốc về phun trừ, sau đó sẽ bón đón đòng theo liều lượng được hướng dẫn.

Còn tại xã Vũ Muộn, sau khi thu hoạch cây rau mùa vụ đông xuân, người dân đã chủ động làm đất, gieo cấy lúa mùa sớm với diện tích hơn 130ha. Đa số diện tích lúa mùa của xã Vũ Muộn phát triển tốt, đang trong giai đoạn đứng cái, ôm đòng. Tuy nhiên, do thời gian qua ít mưa nên một số diện tích lúa mùa tại các thôn vùng cao bị thiếu nước. Đây vốn là những diện tích không chủ động được nguồn nước, chính quyền địa phương đã khuyến cáo nhưng một số hộ dân vẫn gieo cấy. Trên một số diện tích lúa mùa của xã cũng đã xuất hiện các đối tượng sâu bệnh gây hại với mức độ nhẹ.

Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Muộn Đàm Thị Hạnh cho biết: Trên cơ sở khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, chính quyền xã thường xuyên chỉ đạo các thôn đề nghị bà con chủ động nắm bắt đồng ruộng để chăm sóc, phòng trừ kịp thời sâu bệnh. Hiện nay, trà lúa sớm của xã đã xuất hiện sâu đục thân, sâu cuốn lá và bệnh vàng lá, tuy mật độ thấp nhưng nếu không phun trừ kịp thời sẽ ảnh hưởng đến năng suất của cây trồng. Bên cạnh phòng trừ sâu bệnh, xã tuyên truyền cho người dân kỹ thuật chăm sóc lúa giai đoạn đứng cái, ôm đòng, trong đó chú ý đến việc giữ mực nước trong ruộng từ 2 - 3cm cho đến khi lúa chín đỏ đuôi.

Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, trong thời gian tới diễn biến thời tiết sẽ phức tạp và tình hình dịch bệnh trên cây trồng có nguy cơ phát triển mạnh, trong đó đáng chú ý là sâu đục thân, bọ rầy, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn lá, đốm sọc vi khuẩn, bệnh khô vằn và chuột gây hại trên 2 trà lúa. Để bảo đảm cho vụ mùa thắng lợi, công tác phòng, trừ sâu bệnh cần được cấp, ngành chức năng và người dân trong toàn huyện tiếp tục quan tâm hơn nữa./.

X.N

Xem thêm