Tăng cường công tác quản lý thị trường

Tình hình thị trường địa bàn tỉnh Bắc Kạn thời gian qua nhìn chung ổn định. Hàng hóa đảm bảo chất lượng, nguồn cung dồi dào đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng, không có tình trạng đầu cơ găm hàng, tăng giá quá mức làm bất ổn thị trường.

Đội Quản lý thị trường số 1 phối hợp với Công an TP. Bắc Kạn tiến hành kiểm tra đột xuất kho chứa hàng có dấu hiệu vi phạm tại xã Dương Quang (TP. Bắc Kạn).
Đội Quản lý thị trường số 1 phối hợp với Công an TP. Bắc Kạn kiểm tra đột xuất kho chứa hàng có dấu hiệu vi phạm tại xã Dương Quang (TP. Bắc Kạn).

Trong 6 tháng đầu năm, thị trường giá cả hàng hóa tương đối ổn định so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 kéo dài, hầu hết các mặt hàng tiêu dùng tiêu thụ chậm, hàng hóa tiêu thụ tăng chủ yếu là thực phẩm, hoa quả, thịt cá tươi, rau xanh, các mặt hàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày và phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Nhằm tăng cường công tác quản lý thị trường trên địa bàn, Cục QLTT tỉnh đã chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc tăng cường quản lý địa bàn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng dịch bệnh để thu gom hoặc tăng giá bất hợp lý đối với hàng hóa. Đồng thời, đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng gian lận thương mại, kém chất lượng trên địa bàn toàn tỉnh.

Từ đầu năm đến nay, tình hình chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn tương đối tốt. Tuy nhiên, qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường Cục QLTT tỉnh đã phát hiện 66 vụ vi phạm như: Kinh doanh các loại hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam; hàng hóa quá hạn sử dụng ghi trên bao bì; hàng hóa thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mà không có giấy phép kinh doanh theo quy định; hộ kinh doanh lưu động ngoài địa điểm đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nhưng không thông báo cơ quan quản lý thị trường nơi đăng ký trụ sở và nơi tiến hành hoạt động kinh doanh; không niêm yết giá hàng hóa theo quy định... 

Cục QLTT tỉnh yêu cầu các Đội Quản lý thị trường trực thuộc chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện, ngăn chặn hàng nhập lậu, hàng cấm lưu thông trên thị trường. Qua kiểm tra, trong 6 tháng đầu năm đã phát hiện 04 vụ kinh doanh hàng hóa nhập lậu, phạt tiền 29 triệu đồng, buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm gồm 268 đơn vị mỹ phẩm các loại; 05 thùng hướng dương; 112 thỏi son môi nhãn hiệu Black Rouge, tổng trị giá hàng hóa vi phạm trên 71 triệu đồng. Lực lượng QLTT đã phát hiện và xử lý 11 vụ vi phạm trong lĩnh vực ATTP, phạt tiền 36,7 triệu đồng, buộc tiêu hủy các mặt hàng thực phẩm vi phạm, tổng trị giá hàng hóa vi phạm đã tiêu hủy trên 32 triệu đồng. Đồng thời phát hiện và xử lý 25 vụ vi phạm nhãn hàng hóa, xử phạt trên 126 triệu đồng, trị giá hàng hóa vi phạm gần 229 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Kạn (Cục QLTT) đã thực hiện tốt công tác chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, góp phần quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương cũng như kế hoạch chung của toàn ngành. Đặc biệt trong giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch bệnh Covid-19 phức tạp như hiện nay, thị trường luôn ổn định, hàng hóa thiết yếu đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân. Đến nay trình độ nhận thức pháp luật của người dân được cải thiện, các hành vi vi phạm trong kinh doanh có xu hướng giảm, tạo được môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh giữa các tổ chức và cá nhân kinh doanh.

Đồng chí Chu Văn Thống- Quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết: Trong thời gian tới, Cục QLTT tỉnh tiếp tục chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường chủ động kiểm tra, kiểm soát thị trường, tập trung vào những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; làm tốt công tác quản lý địa bàn, theo dõi chặt chẽ tình hình thị trường về diễn biến giá cả một số mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm, các mặt hàng tiêu dùng ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn sức khoẻ của người dân./.

Bích Ngọc

Xem thêm