TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG:

Sản xuất nông nghiệp vì một tương lai xanh hơn

Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP) tỉnh Bắc Kạn, do Chính phủ Việt Nam và Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) tài trợ được triển khai tại một số địa phương của tỉnh thời gian qua đã mang lại những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội; sản xuất nông nghiệp của tỉnh hướng tới "xanh" hơn trong tương lai, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Nhiều hộ gia đình ở thôn Nà Vài, xã Hiệp Lực (Ngân Sơn) được Dự án CSSP hỗ trợ kinh phí để thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi cá, mỗi năm đều cho thu nhập khá.
Nhiều hộ gia đình ở thôn Nà Vài, xã Hiệp Lực (Ngân Sơn) được Dự án CSSP hỗ trợ kinh phí để thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi cá, mỗi năm đều cho thu nhập khá.

Giai đoạn 2017-2022, Dự án triển khai tại 37 xã, thuộc 5 huyện gồm: Ba Bể, Na Rì, Ngân Sơn, Pác Nặm và Bạch Thông, với tổng số vốn  21,25 triệu USD và các đóng góp từ Chính phủ Việt Nam cũng như người hưởng lợi. Dự án tập trung hỗ trợ thực hiện các mô hình nông nghiệp theo phương pháp an toàn, thích ứng với BĐKH; cơ chế hỗ trợ nông dân thông qua quỹ đồng tài trợ; cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn... qua đó nhằm nâng cao thu nhập và giảm mức độ dễ bị tổn thương trước BĐKH của hộ nghèo và cận nghèo tại các xã triển khai một cách bền vững.

Các đối tượng mà dự án hướng tới bao gồm: Hộ nghèo nông thôn có đất và sức lao động, bao gồm cả các hộ sản xuất - kinh doanh; người nghèo nông thôn có việc làm trình độ tay nghề thấp; người nghèo nông thôn thiếu đất sản xuất song có nhạy bén và khát vọng vươn lên thoát nghèo; nông dân điển hình có những kĩ năng cần thiết để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa; phụ nữ, hộ gia đình có chủ hộ là nữ và hộ gia đình dân tộc thiểu số.

Thực hiện Tiểu hợp phần Giao đất lâm nghiệp và giao rừng có sự tham gia của người dân, đến thời điểm này, Dự án đã tiến hành đo đạc bản đồ được 18.292,95ha (vượt 1.292,95ha so với dự kiến), triển khai hoàn thành 6/7 bước cho 16 xã thuộc 3 huyện Ba Bể, Pác Nặm và Ngân Sơn, đã lập 10.792 hồ sơ giao đất, dự kiến cấp giấy chứng nhận cho 9.584 hộ gia đình, cá nhân, trong đó có 1.689 hộ nghèo, 519 hộ cận nghèo và 209 cộng đồng. Cùng với đó, thực hiện xong 3/6 bước theo quy trình sổ tay hướng dẫn kỹ thuật giao rừng ở 4 xã của huyện Ngân Sơn...

Đối với Tiểu hợp phần Quỹ tài trợ cạnh tranh (CSG) cho các tổ hợp tác/nhóm đồng sở thích (CIG) cộng đồng thích ứng với biến đổi khí hậu, tính đến nay, Dự án đã thành lập và phê duyệt tài trợ cho 230 tổ hợp tác, với tổng số hộ nghèo và cận nghèo hưởng lợi là 2.836 hộ. Trong đó, 170 tổ có liên kết với thị trường (76 tổ hợp tác có ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm đầu ra, 18 tổ hợp tác liên kết với đơn vị nhận tài trợ từ quỹ APIF); đã giải ngân từ Quỹ CSG cho 224 tổ với tổng kinh phí là hơn 15,1 tỷ đồng. Tính riêng 5 tháng đầu năm 2021, Dự án đã hỗ trợ thành lập và thực hiện các thủ tục tài trợ cho 38 tổ hợp mới tại các huyện Na Rì, Ba Bể, Pác Nặm.

Tổ hợp tác chăn nuôi cá tại thôn Nà Vài, xã Hiệp Lực (Ngân Sơn) được thành lập trong năm 2020, với số vốn hỗ trợ là 75 triệu đồng, hiện tổ hợp tác có 12 thành viên và diện tích ao khoảng hơn 1ha. Sau một thời gian triển khai mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế nhất định, đồng thời góp phần vào sản xuất nông nghiệp vì một tương lai "xanh" hơn và thích ứng với BĐKH.

Ông Doanh Thiêm Hòa- thành viên Tổ hợp tác chăn nuôi cá tại thôn Nà Vài cho biết: "Sau khi tham gia vào tổ hợp tác, tôi được tập huấn khoa học kỹ thuật chăn nuôi cá và định hướng về liên kết tiêu thụ. Cùng với kinh phí Dự án hỗ trợ, mỗi thành viên chúng tôi thực hiện đối ứng số tiền là hơn 2,2 triệu đồng để mua con giống, cải tạo ao… Với 1.000m2 thực hiện nuôi cá trôi, trắm, chép mỗi năm cũng cho thu nhập khá".

Giám đốc Ban Điều phối Dự án CSSP Bắc Kạn Hoàng Văn Giáp cho biết: Trong thời gian tới, Dự án CSSP tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác động của BĐKH, ý nghĩa và vai trò của các hoạt động giảm thiểu BĐKH cho cán bộ địa phương và nông dân; xây dựng các sổ tay nghiệp vụ, duy trì hoạt động các nhóm CIG, xây dựng và đánh giá, phân loại các tổ hợp tác hằng năm để xác định các giải pháp can thiệp phù hợp, thực hiện các mô hình và kết nối với các doanh nghiệp, hợp tác xã. Trong đó, tập trung xây dựng kế hoạch hành động phát triển chuỗi giá trị tại các xã Dự án; đánh giá và cập nhật kế hoạch hành động BĐKH; hỗ trợ xây dựng các mô hình nông nghiệp thích ứng với BĐKH.../.

Q.Đ

Xem thêm