Mô hình trồng thanh long trên núi đá

Sau nhiều năm trồng ngô không đem lại hiệu quả kinh tế cao, ông Hoàng Văn Chín ở thôn Nà Chè, xã Cường Lợi (Na Rì) quyết định trồng cây thanh long trên diện tích núi đá của gia đình và có thu nhập khá.

Cây thanh long được ông Hoàng Văn Chín, thôn Nà Chè, xã Cường Lợi trồng trên núi đá.
Cây thanh long được ông Hoàng Văn Chín, thôn Nà Chè, xã Cường Lợi trồng trên núi đá.

Giữa trưa, thời tiết khá oi bức, theo chân ông Chín, chúng tôi vượt con đường mòn lên núi thăm mô hình trồng thanh long của gia đình. Khu vực trồng thanh long của ông Chín ở trên dãy núi cao, quy mô rộng khoảng 0,5ha với những thân cây thanh long đan chéo nhau bò lan trên núi đá tai mèo và sai trĩu quả.

Ông Chín cho biết: “Trên diện tích núi đá này, trước đây tôi trồng ngô xuống các hốc đá, nhưng mất nhiều công sức, năng suất thấp. Qua tìm hiểu trên tivi, sách, báo thấy cây thanh long phù hợp trồng trên núi đá và cho hiệu quả kinh tế cao, đầu năm 2016 tôi mua giống về trồng thử 200 gốc, thấy cây phát triển tốt, sau đó mới nhân rộng. Năm 2018, cây bắt đầu bói quả cho thu hoạch được vài tạ, đến vụ sau sản lượng tăng dần. Riêng năm 2020, gia đình bán ra thị trường hơn 4 tấn quả, với giá bình quân 15.000 đồng/kg thu về khoảng 60 triệu đồng, hiệu quả cao gấp nhiều lần so với trồng ngô. Cũng nhờ trồng thanh long cuộc sống gia đình tôi đỡ vất vả hơn trước”. Hiện, toàn bộ dãy núi đá của ông Chín có khoảng 1.200 gốc thanh long, bao gồm cả thanh long ruột đỏ và thanh long trắng. Năm nay, thanh long quả to và sai nhiều, ông Chín ước tính sản lượng thu được gần gấp đôi năm ngoái.

Theo chia sẻ của ông Chín, cây thanh long trồng trên núi đá có nhiều ưu điểm hơn trồng ở ruộng, vườn. Thứ nhất là giảm chi phí đầu tư đóng cọc bê tông. Thứ hai là cây thanh long trồng trên núi cao rất phù hợp, cây sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh, quả thanh long tuy nhỏ hơn trồng ở vườn nhưng do trồng trên núi cao đủ ánh sáng, quả chín sẽ ngọt hơn, vỏ mỏng và có vị thơm đậm đà. Về chăm sóc cây, sau mỗi vụ thu hoạch cần chú ý cắt bỏ những cành già để cành mới phát triển; mỗi năm chỉ cần bón phân hai lần vào thời kỳ cây chuẩn bị ra hoa và sau vụ thu hoạch. Về phòng, chống bệnh hại, vào mùa quả chín, có một số loại côn trùng cắn, chích làm hỏng quả nên sau mỗi cơn mưa phải chịu khó bắt côn trùng gây hại…

Mô hình trồng thanh long trên núi đá của ông Chín đã có nhiều hộ dân học hỏi và làm theo, điển hình như ông Sằm Phúc Từ ở thôn Nà Đeng. Ông Từ cho biết hiện gia đình có 130 gốc thanh long. Năm nay dù mới vào vụ nhưng vừa qua đã cắt bán lứa đầu được gần 2 tạ quả, với giá đầu vụ 20.000 đồng/kg, thu về hơn 3 triệu đồng. Tới đây ông sẽ trồng thêm khoảng 500 gốc ở những diện tích đất sườn đồi.

Ngoài ông Chín, ông Từ, hiện trên địa bàn xã Cường Lợi có hơn 20 hộ trồng thanh long, chủ yếu là giống thanh long ruột trắng, được trồng rải rác trên các sườn đồi, núi đá với diện tích nhỏ lẻ. Do đầu ra còn khó khăn nên các hộ dân chưa dám mở rộng diện tích.

Cường Lợi là địa phương có diện tích núi đá tương đối lớn, thuận lợi để phát triển cây thanh long. Người dân mong muốn các cấp, ngành quan tâm giúp đỡ về kỹ thuật canh tác và xây dựng thương hiệu, tìm thị trường để có đầu ra bền vững, góp phần giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới./.

Đồng Lai

Xem thêm