Khống chế bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò

Với tinh thần khẩn trương, trong tháng 5 và 6/2021, các địa phương trên toàn tỉnh đã tích cực tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò. Đến thời điểm này, bệnh VDNC đã giảm tốc độ lây lan.

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, đến hết ngày 12/7, toàn tỉnh có 72 xã/8 huyện, thành phố có trâu, bò mắc bệnh VDNC. Trong đó, xã Đồng Thắng (Chợ Đồn) đã công bố hết dịch; 06 xã có trâu, bò khỏi bệnh đã được Chi cục Chăn nuôi và Thú y thẩm định gồm: Đại Sảo, Yên Mỹ, Nghĩa Tá, Yên Phong, Bằng Lãng, Bản Thi (Chợ Đồn); 65 xã chưa qua 21 ngày. Toàn tỉnh đã có 2.347 con trâu, bò bị mắc bệnh VDNC; 985 con đã được chữa khỏi; 132 con chết, bị tiêu hủy với tổng trọng lượng 21 tấn.

<span style="font-size:14px;">Cán bộ thú y tỉnh hướng dẫn tiêm phòng bệnh VDNC tại huyện Chợ Mới</span>
Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh hướng dẫn tiêm phòng bệnh VDNC tại huyện Chợ Mới.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đỗ Xuân Việt- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Ngay sau khi tiếp nhận 8.000 liều vắc-xin phòng dịch VDNC, Chi cục đã nhanh chóng triển khai hướng dẫn các địa phương tiêm phòng. Đến hết tháng 6, toàn tỉnh đã tiêm phòng được 7.743 con trâu, bò, đạt tỷ lệ 97%. Thống kê hằng ngày trong tháng 7 cho thấy, tốc độ lây lan giảm rất nhiều so với tháng 4, 5, 6, điều đó cho thấy dịch VDNC đang từng bước được đẩy lùi. Tới đây, tỉnh tiếp tục nhập thêm 5.500 liều vắc-xin nhằm tiêm phòng khoanh vùng dập dịch, tiêm bao vây mở rộng các khu vực có nguy cơ.

Lý giải về việc tiêm phòng có chậm trễ hay không? Đồng chí Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết nguyên tắc tiêm phòng vắc-xin là phải trải qua giai đoạn tiêm phòng thí điểm, khảo sát, đánh giá,… rồi mới cho tiêm đại trà. Do vậy, việc tiêm phòng dịch VDNC cũng phải thực hiện các bước theo quy định.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo phòng, chống dịch VDNC trên bò, còn đối với trâu sẽ khuyến khích người dân chủ động tiêm qua dịch vụ. Thực tế cho thấy, trong tổng số 2.347 con trâu, bò bị mắc bệnh thì chỉ có 12 con trâu. Với số lượng trâu bị nhiễm bệnh ít nên khuyến cáo người dân có thể chủ động tiêm thông qua dịch vụ trên địa bàn.

Bệnh VDNC là do vi rút Lumpy Skin gây ra, lần đầu được phát hiện và mô tả tại Zambia vào năm 1929, sau đó lây lan và lưu hành ở hầu khắp các châu lục. Vi rút VDNC không lây nhiễm và không gây bệnh trên người. Khoảng tháng 8/2020, bệnh VDNC xuất hiện tại Trung Quốc.

Tại Bắc Kạn, cuối năm 2020, bệnh VDND được phát hiện trên địa bàn huyện Ngân Sơn, sau đó lây lan trong toàn tỉnh.

Để chủ động khống chế loại dịch bệnh này, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã tăng cường các biện pháp, cụ thể như: Tổ chức cách ly gia súc chưa có biểu hiện bệnh viêm da nổi cục; tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt côn trùng, ruồi, muỗi, ve, mòng; chỉ đạo các hộ dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, không vận chuyển gia súc ra/vào vùng dịch để hạn chế dịch bệnh lây lan trên diện rộng; tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh VDNC… từng bước đẩy lùi dịch bệnh và bảo vệ an toàn cho đàn đại gia súc./.

Phan Quý

Xem thêm