Khó khăn trong thực hiện Dự án KfW8

Dự án “Quản lý rừng bền vững và đa dạng sinh học nhằm giảm phát thải CO2” (gọi tắt là KfW8) được thực hiện tại 2 huyện Ngân Sơn và Chợ Mới nhằm tăng cường tính đa dạng sinh học, bảo vệ hệ sinh thái rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu và hỗ trợ sinh kế cho người dân địa phương. Tuy nhiên, Dự án đang gặp những khó khăn nhất định.

Mục tiêu tổng thể của Dự án KfW8 là thúc đẩy quản lý rừng tổng hợp nhằm giảm phát thải khí CO2, với trọng tâm là rừng sản xuất, nhằm hướng đến các giá trị đa dạng sinh học, hỗ trợ diện tích rừng trồng keo, thông đã được thiết lập với mục đích quản lý bền vững rừng, tăng cường đa dạng sinh học và các dịch vụ môi trường; nâng cao giá trị kinh tế sản phẩm rừng trồng, cải tạo bằng cách tỉa thưa chuyển từ rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn… Tổng mức đầu tư Dự án hơn 60 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng của tỉnh trên 12,4 tỷ đồng, để thực hiện 1.300ha rừng cây thông tại huyện Ngân Sơn và 2.100ha rừng cây keo tại huyện Chợ Mới.

Khó khăn trong thực hiện Dự án KfW8 ảnh 1

Người dân huyện Ngân Sơn trồng rừng.

 

Ban Quản lý dự án KfW8 các huyện Ngân Sơn và Chợ Mới đã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tham gia với nhiều lợi ích như: Các hộ dân có quyền thụ hưởng mọi sản phẩm từ rừng, bao gồm củi, gỗ và các loại cây bản địa khi cây đạt đường kính khai thác theo quy định; được hỗ trợ cấp sổ đỏ (nếu diện tích tham gia dự án chưa có sổ đỏ); hỗ trợ kỹ thuật, tài chính cho công lao động khi thực hiện các hoạt động lâm sinh (tỉa thưa, trồng dưới tán, chăm sóc, bảo vệ rừng của hộ gia đình…); cung cấp cây giống bản địa có giá trị, phân bón để trồng dưới tán vào diện tích tham gia dự án. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn về quy trình thực hiện KfW8, phân tích các phương thức quản lý rừng, phân tích số liệu điều tra tài nguyên rừng, đánh giá/cân đối cung cầu về gỗ của thôn, xác định các biện pháp lâm sinh, soạn thảo nội dung kế hoạch quản lý rừng 5 năm và hằng năm, thiết lập hành lang trồng cây bản địa lâu năm. Triển khai buộc dây đánh dấu cây tỉa thưa trên diện tích được tham gia dự án, phát vật tư tỉa thưa cho các hộ dân. Quy trình tỉa thưa đợt 1 (giảm xuống còn khoảng 800 cây/ha) và trồng cây bản địa xen vào hành lang, tới khi rừng được 8 năm tuổi, sẽ tỉa thưa tiếp đợt 2 xuống còn khoảng 400 cây/ha, và cây 12 năm tuổi sẽ khai thác toàn diện.

Đến thời điểm hiện nay, huyện Ngân Sơn đã tỉa thưa đợt 1 được 33,53ha, trồng rừng được 44ha, chăm sóc rừng trồng 143,1ha, tập huấn 20 lớp/400 người. Huyện Chợ Mới nghiệm thu đánh dấu cây được 708ha, nghiệm thu tỉa thưa được 297,57ha, nghiệm thu rừng cây bản địa dưới tán là 37,2ha, mở 20 lớp tập huấn cho người dân trồng rừng vùng hưởng lợi.

Trong quá trình thực hiện Dự án, đa số người dân tích cực tham gia, đặc biệt là người dân nòng cốt tại các thôn đã hỗ trợ hiệu quả cho công tác thực hiện xây dựng phương án sử dụng đất tại địa phương; thực hiện đúng các bước chăm sóc, bảo vệ cây trồng dưới tán.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Dự án gặp nhiều khó khăn vì mức hỗ trợ thấp, suất đầu tư cho 01ha tương đối thấp (hơn 9 triệu đồng); nhiều hộ không thực hiện trồng cây do lo ngại trâu, bò phá hoại; việc vận động người dân tiến hành đánh dấu sơn cây khó khăn, chủ yếu là do các hộ gia đình tham gia dự án không có nguồn nhân lực, cây quá tuổi, cây chết do sâu bệnh hại... không đảm bảo tiêu chí để tham gia; các lô rừng xa đường vận chuyển, xa nhà nên đi lại và tham gia hoạt động tỉa thưa mất rất nhiều thời gian. Trên địa bàn một số xã có các đội khai thác, các chủ xưởng thường cho người dân vay tiền để làm kinh tế, sau đó vận động bà con khai thác trắng và bán cây cho họ với nhiều lý do khác nhau như đến kỳ hạn vay tiền phải trả, giá trả cao hơn so với giá thị trường... Ngoài ra, do dịch bệnh Covid-19, gỗ củi tỉa ra bán giá thấp không đủ để chi trả tiền công, phí vận chuyển. Riêng đối với huyện Ngân Sơn, nhựa thông có giá trị cao nên người dân giữ cây để lấy nhựa…

Đồng chí Hoàng Văn Trường- Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án KfW8 huyện Ngân Sơn cho biết: Mặc dù Dự án triển khai từ năm 2016 nhưng kết quả của huyện Ngân Sơn đạt thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do mức hỗ trợ thấp nên người dân không tham gia; giá nhựa thông cao nên bà con không tỉa thưa mà để cây khai thác nhựa.

Những khó khăn trên rất cần các cấp, ngành chức năng chú trọng tuyên truyền, phân tích cho người trồng rừng nâng cao nhận thức nhằm thực hiện Dự án có hiệu quả hơn. Với lợi thế là tỉnh có diện tích trồng rừng lớn, tỷ lệ che phủ rừng cao, điều kiện khí hậu thuận lợi cho việc phát triển kinh tế lâm nghiệp, cùng với sự hỗ trợ của Dự án KfW8, kinh tế rừng ở Bắc Kạn có điều kiện để phát triển ổn định, bền vững./.

                                                                Phan Quý

Xem thêm