HTX Văn Quyến với mô hình sản xuất hạt cườm từ gỗ

TP. Bắc Kạn hiện có gần 20 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, trong đó có HTX Văn Quyến, xã Dương Quang hoạt động hiệu quả, góp phần tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn tại địa phương.

Sản xuất tại HTX Văn Quyến, xã Dương Quang (TP. Bắc Kạn).
Sản xuất tại HTX Văn Quyến, xã Dương Quang (TP. Bắc Kạn).

Anh Chu Kế Kiên- Phó Giám đốc HTX Văn Quyến cho biết: Vợ chồng anh nhen nhóm ý tưởng thành lập mô hình sản xuất hạt cườm từ năm 2007. Để khởi nghiệp, anh đã quyết tâm tới làng nghề ở Thường Tín (Hà Tây cũ) học hỏi quy trình sản xuất hạt cườm làm các sản phẩm mành, rèm, chiếu... Sau hai năm vừa chuẩn bị về cơ sở vật chất, vừa học hỏi kinh nghiệm, cộng với sự chăm chỉ, cần cù chịu khó, mô hình sản xuất hạt cườm gỗ của vợ chồng anh Kiên đã nhanh chóng thành công.  

Những năm đầu, vợ chồng anh chủ yếu tự làm. Dần dần thấy bà con trong thôn có nhu cầu việc làm, vợ chồng anh thuê thêm nhân công và mở thêm cơ sở ở các địa phương khác trong tỉnh. Đến năm 2019, với sự động viên của chính quyền địa phương, anh thành lập HTX Văn Quyến với ngành nghề chính là sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hạt cườm từ gỗ. HTX tận dụng, thu mua các loại gỗ: Thông, mỡ, bồ đề… của bà con để sản xuất hạt cườm để làm đệm ghế ô tô, mành cửa, chiếu… Đến nay, HTX Văn Quyến đã mở rộng được 8 điểm sản xuất ở các địa phương trên địa bàn tỉnh như: Dương Quang (TP. Bắc Kạn); Đôn Phong, Dương Phong, Quân Hà (Bạch Thông); thị trấn Nà Phặc (Ngân Sơn)…, hoạt động ngày càng hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn.

Theo anh Kiên, HTX không có thời điểm nào là hết việc làm hoặc tồn ế sản phẩm, thậm chí nhiều lúc còn phải tăng ca để đáp ứng lượng hàng cung cấp cho các đối tác. Hiện tại, ở mỗi cơ sở sản xuất có hàng chục lao động có việc làm thường xuyên, công việc chủ yếu là ngồi điều khiển máy dập khuôn, đập hạt, sấy hạt... Mỗi năm HTX tiêu thụ được khoảng 200 - 300m3 gỗ mỡ, thông, bồ đề… của người dân trồng rừng ở địa phương; trung bình mỗi tháng sản xuất khoảng 1,5 tấn hạt cườm, cung cấp cho các doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố như: Nam Định, Hà Nội, Thái Nguyên... Doanh thu mỗi năm của HTX đạt gần 1,5 tỷ đồng.

Rèm cửa, sản phẩm hoàn chỉnh được làm từ hạt cườm của HTX Văn Quyến.

Rèm cửa, sản phẩm hoàn chỉnh được làm từ hạt cườm của HTX Văn Quyến.

Chị Lưu Thị Vượng, nhân công làm việc tại HTX Văn Quyến chia sẻ: “Tôi làm việc ở đây đã nhiều năm, thu nhập ổn định 5 triệu đồng/tháng, công việc nhẹ nhàng, dễ làm, phù hợp với sức lao động của nhiều lứa tuổi khác nhau như chị em phụ nữ, người lớn tuổi… Đối với việc sản xuất hạt cườm chỉ cần một người đàn ông đứng máy để cắt thành từng miếng; một bộ phận chuyên ngồi điều khiển máy dập thành hạt và một bộ phận ngồi gõ hạt ra nên không tốn nhiều sức”.

Để phát triển hiệu quả, HTX đang rất cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Nhà nước trong việc tiếp cận nguồn vốn chính sách ưu đãi để mở rộng nhà xưởng, đầu tư thêm máy móc, học nâng cao kỹ thuật đan hạt... Hiện nay diện tích mặt bằng của HTX chỉ rộng khoảng 40m2 không đáp ứng được nhu cầu sản phẩm cho thị trường; sản phẩm sản xuất ra chỉ dừng ở công đoạn làm thành hạt, để đan thành các sản phẩm rèm, mành, đệm ô tô thì HTX vẫn phải thuê thợ ở Hà Nội làm, nên giá trị kinh tế thu về không cao; chưa tận dụng hết năng lực của các thành viên và nhân công địa phương.

Thời gian tới, HTX dự định mở rộng nhà xưởng rộng hơn 1.500m2, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn, tăng thu nhập cho thành viên, góp phần cùng địa phương thực hiện nâng cao các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao./.

Tùng Vân

Xem thêm