Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Chợ Mới

Những năm gần đây, huyện Chợ Mới đã và đang phát huy những thế mạnh về lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Nếu như trước đây, người dân chỉ tập trung canh tác lúa, ngô thì hiện nay nhiều xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã thâm canh, tăng vụ, đưa những cây trồng mới, kỹ thuật mới vào sản xuất.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Chợ Mới ảnh 1
Anh Hoàng Văn Linh chăm sóc cây nho sau thu hoạch.

Những ngày này, gia đình Hoàng Văn Linh ở Bản Tét 1, xã Nông Hạ đang tích cực chăm sóc vườn nho Hạ Đen sau vụ thu hoạch đạt sản lượng khá. Trước đây, mảnh ruộng của gia đình anh canh tác đủ loại từ lúa, ngô, đến mía, nhưng hiệu quả kinh tế thấp, thu nhập mỗi năm chỉ được vài triệu đồng, năm cao nhất trồng mía chỉ được khoảng 16 triệu đồng. Năm 2016, gia đình anh sang tỉnh Lạng Sơn lấy 60 gốc nho Hạ Đen về trồng thử nghiệm tại chân ruộng một vụ. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật nên cây trồng cho quả không đáng kể. Không nản chí, năm sau anh tiếp tục lấy giống, mở rộng diện tích trồng 600 gốc trên mảnh ruộng 2.000m2. Đồng thời tích cực nghiên cứu qua sách báo, thông tin đại chúng, tham quan học hỏi các mô hình đã thành công với cây trồng này. Đến năm 2020, vườn nho cho thu hoạch hơn một tạ quả, thu về hàng chục triệu đồng. Năm nay, lứa nho đầu tiên gia đình anh thu về hơn 100 triệu đồng. Anh Linh cho biết: "Một năm vườn nho cho hai lứa quả, nếu chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật mỗi vụ sẽ thu khoảng 1,8 tấn quả. Với giá bán từ 130.000 đồng/kg tại vườn, gia đình thu về hàng trăm triệu đồng/lứa, gấp hàng chục lần so với nhiều loại cây trồng khác trên đất ruộng".

Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao là điểm sáng trong phát triển nông nghiệp ở huyện Chợ Mới trong những năm gần đây. Bên cạnh lúa, trên những cánh đồng của huyện hiện đã có sự đan xen nhiều cây trồng mới cho hiệu quả kinh cao như mía, ớt, khoai tây. Đầu năm nay, cây dưa chuột Nhật Bản, một loại cây trồng ngắn ngày nhưng cho năng suất cao, cũng đã được trồng thí điểm thành công tại Chợ Mới và hoàn toàn có thể mở rộng diện tích trong những vụ tới.

Năm 2021, huyện Chợ Mới phấn đấu có 420ha đất đạt giá trị hơn 100 triệu đồng/ha; thu nhập bình quân đầu người đạt 34 triệu đồng/năm. Để đạt mục tiêu này sẽ cần các giải pháp đồng bộ, trong đó việc thâm canh tăng vụ, lựa chọn cây trồng mới vào sản xuất là giải pháp quan trọng để tăng thu nhập cho người dân. Một điểm đáng mừng ở Chợ Mới đó là không ít mô hình thí điểm trong sản xuất nông, lâm nghiệp đã được ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn. Cùng với đó, trong chuỗi sản xuất đã có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà nông, nhà khoa học và các doanh nghiệp, hợp tác xã bao tiêu sản phẩm.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Chợ Mới ảnh 2
Vụ nho vừa qua gia đình anh Hoàng Văn Linh thu hoạch hơn 1 tấn quả, thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Đồng chí Hoàng Nguyễn Việt- Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới cho biết: Những năm gần đây, huyện đã chú trọng liên kết theo chuỗi giá trị, trong đó đã có rất nhiều mô hình hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Thời gian tới, huyện tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, tích cực hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất gắn với chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp. Đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, từng bước nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân gắn với phát triển sản xuất và tiêu thụ theo hợp đồng, tiêu chuẩn, chất lượng. Khuyến khích, tạo điều kiện tốt nhất thu hút các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư; nhân rộng các mô hình có tiềm năng phát triển các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhất là thực hiện chuỗi liên kết sản xuất…, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho Nhân dân/.

Lý Dũng

Xem thêm