Hiệu quả chính sách phát triển rừng đặc dụng

Từ nguồn vốn chính sách hỗ trợ phát triển rừng đặc dụng của Chính phủ, hàng nghìn hộ dân sống tại vùng đệm Vườn Quốc gia Ba Bể (QGBB) đã được hưởng lợi, tạo điều kiện phát triển.

Từ khi chính sách có hiệu lực (năm 2015), Vườn QGBB đã tổ chức quán triệt, phổ biến các văn bản liên quan, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ. Đồng thời chỉ đạo cán bộ Kiểm lâm các Hạt, Trạm, Chốt căn cứ nhiệm vụ cụ thể đã được phân công phối hợp với cộng đồng dân cư thôn, bản khẩn trương tổ chức thực hiện. Theo đó, Vườn đã tổ chức họp với 45 thôn, bản thuộc các xã Nam Mẫu, Khang Ninh, Cao Trĩ, Cao Thượng, Hoàng Trĩ, Quảng Khê (Ba Bể) và các xã Nam Cường, Xuân Lạc (Chợ Đồn), triển khai hỗ trợ mỗi thôn 40 triệu đồng/năm và ký cam kết bảo vệ rừng. Thông qua họp thôn, với sự thống nhất cao của các hộ gia đình, gói hỗ trợ 40 triệu/thôn/năm được đầu tư phát triển sản xuất (cung cấp giống vật nuôi, cây trồng) và xây dựng các công trình công cộng (làm đường bê tông, nhà họp thôn, công trình nước sạch, làm cầu...).

Nghiệm thu đưa vào sử dụng cầu Nà Kiêng, xã Khang Ninh.
Nghiệm thu đưa vào sử dụng cầu Nà Kiêng, xã Khang Ninh.

Nhờ nguồn kinh phí đó, từ năm 2015 đến nay đã có hàng nghìn công trình hạ tầng được đầu tư xây dựng; hàng vạn cây, con giống được cấp cho người dân. Cụ thể, xây mới, sửa chữa, nâng cấp 77 nhà văn hóa thôn; xây dựng mới 27.432m đường bê tông nội thôn; kè đá hộc 204m đường nội thôn; xây mới 6 cầu bê tông; xây dựng 4 công trình nước sạch, 5 công trình điện, 4 công trình nhà vệ sinh…

Việc xây dựng các công trình công cộng từ nguồn vốn phát triển rừng đặc dụng được cộng đồng thôn đánh giá là thiết thực, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng dân cư trong khu vực. Đối với hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất, một số thôn được hỗ trợ nuôi gà đen, lợn địa phương, giúp người dân có vốn để tái đầu tư, phát triển sản xuất, tăng thu nhập, ổn định đời sống.

Cùng với đó, Vườn QGBB đã ký kết hợp đồng giao khoán rừng cho cộng đồng thôn, bản, đồng thời tiến hành rà soát, kiểm tra việc thực hiện nhận khoán rừng của các nhóm hộ. Theo dõi và thu các bảng chấm công về kiểm tra rừng hằng tháng, báo cáo công tác nhận khoán rừng của các nhóm hộ, trên cơ sở đó tiếp tục giao khoán rừng cho người dân quản lý, khoanh nuôi tái sinh. Nhìn chung, các nhóm, tổ nhận giao khoán đã chủ động hơn trong thực hiện xây dựng kế hoạch và tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm tra rừng với số lần tuần tra rừng đạt từ 04 đến 12 lần/nhóm, tổ/tháng. Nhiều nhóm, tổ nhận khoán đã tích cực thăm nắm trao đổi thông tin, tuyên truyền vận động, tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng và đạt được một số kết quả tích cực như: Nhóm Bản Quá, Bản Lồm, xã Nam Cường; nhóm ông Trịnh Văn Hải, thôn Cốc Tộc, xã Nam Mẫu; nhóm cựu chiến binh thôn Nà Mằm và nhóm ông Nguyễn Dương Tấm, thôn Pác Nghè, xã Khang Ninh… Địa bàn quản lý của các nhóm trên không để xảy ra tình trạng chặt phá, khai thác rừng trái phép.

Thực tế cho thấy, từ khi triển khai gói hỗ trợ 40 triệu đồng/thôn, bản, người dân rất phấn khởi, có ý thức, trách nhiệm hơn trong công tác quản lý bảo vệ rừng đặc dụng; nâng cao ý thức tố giác, phát giác tội phạm. Nguồn kinh phí được hỗ trợ phần nào nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho bà con; nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng nông thôn, góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện cũng bộc lộ một số khó khăn. Do việc hỗ trợ phát triển chăn nuôi tập trung vào các hộ thuộc diện nghèo. Chính vì vậy, kỹ thuật chăn nuôi còn yếu, chuồng trại tạm bợ, không có đủ nguồn thức ăn chăn nuôi..., dẫn đến một số vật nuôi bị chết hoặc chậm lớn. Điều kiện thời tiết vùng rừng VQG thường mưa nhiều, giao thông khó khăn nên một số thôn gặp khó trong việc vận chuyển vật liệu xây dựng, thi công công trình. Ngoài ra, có những thôn cách thức tổ chức, thực hiện còn yếu chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn thể Nhân dân tham gia.

Ông Phạm Văn Chí- Quyền Giám đốc Vườn QGBB cho biết: "Chính sách hỗ trợ phát triển rừng đặc dụng của Chính phủ đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân sống ở vùng đệm Vườn Quốc gia Ba Bể. Qua 5 năm thực hiện, tình trạng khai thác rừng trái phép đã giảm rất nhiều so với trước đây. Nhiều thôn, bản quản lý, bảo vệ rừng rất tốt, không để xảy ra tình trạng chặt phá rừng, ý thức, trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng đặc dụng trong cộng đồng dân cư được nâng cao. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và cộng động dân cư ở vùng đệm thực hiện tốt chính sách hỗ trợ của Chính phủ để phát triển hiệu quả rừng đặc dụng Vườn Quốc gia Ba Bể"./.

Phan Quý

Xem thêm