Chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp ở Ba Bể (bài 1)

Để nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp, huyện Ba Bể đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm chuyển dịch cơ cấu, tạo chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp, từng bước tăng năng suất, chất lượng nông sản, nâng cao đời sống của người dân.

Bài 1: Khai thác lợi thế, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất

Huyện Ba Bể có nhiều thuận lợi phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp để canh tác nhiều vụ cây trồng ngắn ngày trong năm, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Từ lợi thế đó, Ðảng bộ, chính quyền huyện tập trung ưu tiên nguồn lực để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, triển khai một số mô hình khuyến nông mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Vùng sản xuất cây dong riềng của huyện Ba Bể hiện có diện tích 131ha
Vùng trồng cây dong riềng của huyện Ba Bể hiện có 131ha.

Việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp đã được huyện Ba Bể bám sát Nghị quyết số 04-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ ba (khóa XI) về phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường giai đoạn 2016-2020; đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến 2035; Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND ngày 17/7/2019 của HĐND tỉnh ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Trên cơ sở định hướng của tỉnh, huyện Ba Bể đã chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu giống, mùa vụ phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng vùng, từng địa phương; phát triển sản xuất tập trung gắn với liên kết tiêu thụ các sản phẩm lợi thế; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất. Thâm canh, tăng vụ với các cây trồng có năng suất, chất lượng như lúa chất lượng cao, bí xanh, dưa hấu, dong riềng, hồng không hạt, chè... Triển khai các mô hình xen canh lúa - cá, 02 vụ lúa - 01 vụ màu để nâng cao giá trị trên cùng diện tích canh tác.

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp nên những năm gần đây sản xuất nông nghiệp của huyện có bước phát triển khá toàn diện. Các cây trồng có giá trị kinh tế như bí xanh thơm, dưa hấu, dưa lê, chè không ngừng được mở rộng diện tích; phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng nuôi nhốt; phát triển cây ăn quả có giá trị kinh tế phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương như hồng không hạt, mận chín sớm. Bước đầu tập trung đầu tư theo vùng, định hướng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với thị trường tiêu thụ, chuyển đổi đất sản xuất kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao giá trị kinh tế nông nghiệp.

Xã Yến Dương canh tác giống lúa chất lượng cao.
Xã Yến Dương canh tác giống lúa chất lượng cao.

Nhiều năm nay, người Dao ở các thôn Nà Vài, Nà Hai (xã Quảng Khê) đã thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nhận thấy những chân ruộng một vụ thiếu nước, khó gieo cấy lúa, bỏ không lãng phí, vì vậy các hộ dân đã chủ động chuyển đổi, đưa cây trồng có giá trị vào canh tác. Nhiều diện tích đất trước đây bị bỏ hoang nay đã được bà con cải tạo thành những thửa ruộng trồng dưa hấu cho năng suất cao. Gần đây bà con còn trồng thêm cây dưa lê, dưa chuột, dưa lưới. Từ cây trồng này đã mang lại thu nhập cả chục triệu đồng/vụ cho mỗi hộ.

Hiện xã Quảng Khê đã hình thành vùng trồng dưa hấu với tổng diện tích khoảng 45ha, năng suất ước đạt gần 70 tạ/ha. Những năm gần đây cây dưa hấu ở Quảng Khê đã khẳng định giá trị kinh tế, giúp người dân nâng cao thu nhập, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo của địa phương. Ngoài ra, xã còn phát triển vùng trồng cây hồng không hạt tập trung với quy mô diện tích 67ha tại khu kinh tế Khưa Rầy, Khưa Phát.

Theo chân đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Khê Đàm Văn Lẫm, chúng tôi đến với khu kinh tế Khưa Rầy, thôn Nà Chom. Đây là một khu sản xuất với diện tích đất đồi rộng lớn, giao thông thuận lợi, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với phát triển ăn quả. Hàng chục năm trước người dân nơi đây đưa cây hồng không hạt về trồng trên triền đồi, tuy nhiên diện tích lúc đó chỉ manh mún, nhỏ lẻ. Sau đó nhờ các Chương trình 30a, 135 hỗ trợ nên người dân có cơ hội mở rộng diện tích. Đến nay Quảng Khê đã hình thành được vùng sản xuất hàng hóa tập trung với bạt ngàn cây hồng không hạt, cây mận chín sớm, trong đó hồng không hạt đã được cấp chỉ dẫn địa lý, trở thành đặc sản của vùng.

Đồng chí Đàm Văn Lẫm- Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Khê cho biết: Thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, người dân trong xã đã mạnh dạn chuyển đổi những điện tích đất ruộng, đất đồi kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao với diện tích hàng chục héc-ta, giúp bà con nâng cao thu nhập.

Nhờ chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp, đến nay huyện Ba Bể đã chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự cung tự cấp sang phát triển vùng sản xuất hàng hóa rõ nét với quy mô, diện tích ngày càng mở rộng như: Vùng trồng bí xanh thơm tập trung ở các xã Địa Linh, Yến Dương, Mỹ Phương với tổng diện tích 123ha. Vùng trồng cây hồng không hạt ở các xã Quảng Khê, Đồng Phúc, Thượng Giáo, Khang Ninh với tổng diện tích hơn 257ha. Cây chè trung du tập trung tại các xã Mỹ Phương, Chu Hương, Đồng Phúc với diện tích hơn 676ha. Cây dong riềng tập trung tại các xã Chu Hương, Yến Dương, Mỹ Phương, Địa Linh với diện tích 131ha. Toàn huyện đã thực hiện chuyển đổi diện tích đất trồng lúa, ngô sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn 265ha; có 318ha đất ruộng, soi bãi đạt giá trị 100 triệu đồng/ha trở lên...

H. Thanh

Xem thêm