Bạch Thông tập trung sản xuất vụ mùa

Vụ mùa năm nay, huyện Bạch Thông có kế hoạch gieo cấy hơn 1.700ha, chủ yếu là giống lúa Bao thai, trong đó lúa mùa sớm hơn 300ha. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, người dân đang tích cực ra đồng sản xuất để bảo đảm khung thời vụ.

Diện tích lúa mùa sớm của huyện tập trung ở các xã Sỹ Bình, Vũ Muộn, Cao Sơn. Cơ cấu giống chủ yếu là các giống lúa ngắn ngày như: Khang dân, GS9, C70… Thu hoạch cây nguyên liệu thuốc lá và các cây màu vụ xuân đến đâu người dân tiến hành làm đất gieo cấy lúa đến đó, hệ thống kênh mương thủy lợi được xây dựng, nạo vét thường xuyên nên nguồn nước phục vụ sản xuất khá thuận lợi. Đến nay, bà con nông dân 03 xã nói trên đã cơ bản cấy xong diện tích lúa mùa sớm.

Người dân huyện Bạch Thông tích cực sản xuất vụ mùa.
Người dân huyện Bạch Thông tích cực sản xuất vụ mùa.

Đối với lúa mùa chính vụ, theo chỉ đạo của huyện, ngay sau khi thu hoạch xong lúa xuân bà con các địa phương tập trung làm đất, đồng thời chăm sóc tốt diện tích mạ đã gieo. Đến thời điểm này, toàn huyện Bạch Thông đã làm đất được khoảng 70% diện tích, riêng các địa phương: Vi Hương, Lục Bình, thị trấn Phủ Thông… do chủ động nguồn nước nên đã làm đất được trên 90%, phấn đấu gieo cấy xong trong tháng 7.

Bà Nông Thị Tố, người dân thôn Nà Lầu, xã Tân Tú cho biết: “3.000m2 ruộng vụ mùa năm nay gia đình tôi chỉ sử dụng giống lúa Bao thai, diện tích mạ đã gieo từ trước đang phát triển tốt. Để bảo đảm khung thời vụ do huyện khuyến cáo, dù thời tiết nắng nóng nhưng gia đình đã tranh thủ làm xong đất và chuẩn bị cấy”.

Nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất vụ mùa của người dân, các cửa hàng vật tư nông nghiệp trên địa bàn huyện Bạch Thông đã chủ động nhập phân bón và các loại giống cây trồng từ những tháng trước. Đến nay, huyện đã cung ứng được hơn 40 tấn phân bón các loại cho người dân. Cùng với đó, các cửa hàng vật tư nông nghiệp còn xây dựng phương án bình ổn giá, giúp nông dân yên tâm sản xuất.

Điểm đáng chú ý trong sản xuất vụ mùa năm nay là huyện Bạch Thông tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân sử dụng phân bón hữu cơ. Các chất thải từ chăn nuôi hay phế phẩm từ cây trồng được xử lý tạo thành phân bón hữu cơ góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, đồng thời giúp nâng cao năng suất và chất lượng nông sản của địa phương. Với hơn 20.000 con gia súc và  hơn 270.000 con gia cầm, thủy cầm, mỗi năm, nguồn chất thải từ đàn vật nuôi của địa phương lên đến hàng trăm tấn, chưa kể nguồn phế phụ phẩm trong quá trình sản xuất và chế biến nông sản. Với việc tận dụng những nguồn nguyên liệu có giá trị này để làm phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp, người dân trên địa bàn huyện Bạch Thông đã tiết kiệm được đáng kể nguồn chi phí thuốc trừ sâu và phân hoá học, đồng thời giúp phát triển sản xuất theo hướng bền vững.

Từ nhiều năm nay, bà Phạm Thị Ngoãn, thôn Bản Luông 2, xã Mỹ Thanh thường trộn phân gà và vỏ trấu để ủ làm phân bón cho cây lúa. Theo bà Ngoãn loại phân bón hữu cơ này dễ sản xuất, nguồn nguyên liệu sẵn có, nhiều tác dụng trong sản xuất nông nghiệp. Sử dụng phân chuồng sẽ giúp cải tạo đất, vừa tiết kiệm chi phí lại góp phần bảo vệ môi trường.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bạch Thông đánh giá: Do có sự chuẩn bị tốt nên công tác sản xuất vụ mùa của huyện đang tiến triển thuận lợi. Bên cạnh các công trình thủy lợi đã được nạo vét, tu sửa, địa phương đang đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi xây mới nhằm phục vụ kịp thời nhu cầu tưới tiêu cho vụ mùa. Với sự chỉ đạo sát sao của các cấp, ngành và những nỗ lực của người dân, huyện Bạch Thông phấn đấu giành vụ mùa thắng lợi./.

Xuân Nghiệp

Xem thêm