Trồng cây ăn quả trên đất dốc

Dám nghĩ, dám làm, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, đó là anh Vi Hoàng Sơn, thôn Bó Lếch, xã Hiệp Lực (Ngân Sơn) đã và đang xây dựng, phát triển hiệu quả mô hình trồng cây ăn quả quy mô diện tích 8ha.

Học xong Đại học Nông lâm Thái Nguyên từ năm 2001, khi có nhiều cơ hội vào biên chế tại cơ quan nhà nước nhưng anh Sơn lại lựa chọn một hướng đi khác. Với suy nghĩ bản thân học chuyên ngành trồng trọt, gia đình có sẵn quỹ đất thì sao không thử sức xây dựng mô hình trồng cây ăn quả, trong khi lĩnh vực này có thể mang lại thu nhập cao. Nghĩ là làm, anh cùng gia đình đào ao, thả cá trong khe Khuổi Già và trồng cam, quýt. Diện tích đất ban đầu có khoảng 2ha, sau khi trồng cây phát triển tốt, cho quả đạt chất lượng, anh mua thêm đất xung quanh để trồng thêm nhiều loại cây ăn quả khác nhau. Đến nay, diện tích 8ha cây ăn quả của gia đình anh có 1.400 cây hồng không hạt, 800 cây cam, quýt, 70 cây lê, 60 cây mác cọt…, nhiều cây đã cho thu hoạch hơn chục năm nay. Mỗi năm sản lượng các loại quả đạt hàng trăm tấn, trừ chi phí, gia đình anh có thu nhập hơn 400 triệu đồng.

Có nguồn vốn tích lũy, anh Sơn đầu tư mua xe tải để chủ động vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm. Gắn bó với cây ăn quả lâu năm nên nguồn tiêu thụ cơ bản ổn định, cam, quýt bán tại địa phương và tỉnh Cao Bằng, hồng không hạt chủ yếu bán tại các tỉnh, thành phố như Thái Nguyên, Hà Nội, Ninh Bình… Ngoài ra, anh còn tự ươm cây giống và cung cấp cho khách hàng có nhu cầu. Diện tích đất đã được trồng kín cây ăn quả nên anh Sơn tập trung chăm sóc nâng cao chất lượng, sản lượng. Một số diện tích trồng lâu năm, cằn cỗi, anh chuyển sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn.

Đồi cây ăn quả của gia đình anh Sơn luôn được phát, dọn sạch cỏ.
Đồi cây ăn quả của gia đình anh Sơn luôn được phát dọn sạch cỏ.

Không khí trong lành, nguồn hoa từ đồi cây ăn quả luôn sẵn, vì vậy anh Sơn nuôi thêm ong mật. Mùa nhiều hoa anh tăng khoảng 60 đàn ong, còn mùa ít hoa nuôi duy trì 20 đàn, bình quân thu hơn 200 lít mật/năm, giá bán 300.000 đồng/lít. Do nuôi hoàn toàn tự nhiên dưới những gốc cây ăn quả nên mật ong của gia đình anh được ưa chuộng, không đủ đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Trang trại tách biệt với khu dân cư nên anh Sơn đầu tư nuôi lợn siêu nạc, có thời điểm nuôi khoảng 70 con. Nguồn phân chuồng được anh xử lý, ủ để bón cho cây. Hiện, hệ thống chuồng trại đang được anh sửa sang, nâng cấp, mở rộng quy mô để chuẩn bị tái đàn sau thời gian dừng do dịch bệnh.

Để có được thành công như hôm nay, anh Sơn chia sẻ: "Làm nông nghiệp không dễ dàng, gần như bận rộn luôn tay, ngoài nắm chắc về khoa học kỹ thuật thì phải có đam mê. Dưới gốc cây ăn quả phải làm sạch cỏ, bơm nước tưới, thường xuyên kiểm tra để phát hiện sâu đục thân, bón phân hợp lý… nếu không đam mê rất dễ nản. Điều may mắn là mô hình cây ăn quả của gia đình tôi mỗi năm luôn đón những sinh viên của Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên đến thực hành, học tập, vì vậy tôi cũng thường xuyên được trao đổi, tiếp cận ứng dụng khoa học kỹ thuật mới và thử nghiệm trồng nhiều cây ăn quả khác nhau".

Với mong muốn chia sẻ, kết nối và giúp nhau phát triển kinh tế từ cây ăn quả, tháng 7/2020 anh Sơn đứng ra thành lập Hợp tác xã trồng cây ăn quả Hiệp Lực với 11 thành viên. Tổng diện tích cây ăn quả của HTX hiện có khoảng 20ha, trong đó hồng không hạt là cây trồng chủ lực. Năm 2021 HTX sẽ trồng mới 1.000 cây mác cọt với mục tiêu chế biến thành sản phẩm đóng hộp, đăng ký sản phẩm OCOP.

Mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc của anh Sơn mang lại hiệu quả kinh tế cao, là hướng đi phù hợp ở địa phương, cần được nhân rộng, góp phần tạo động lực, thúc đẩy phong trào thi đua phát triển kinh tế./.

Hà Nhung