Thành phố Bắc Kạn tăng cường kiểm soát dịch bệnh cho đàn vật nuôi

Trước tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, thành phố Bắc Kạn tăng cường công tác phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Năm 2020, trên địa bàn thành phố đã xảy ra một số dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, gây thiệt hại không nhỏ cho người chăn nuôi như: Tụ huyết trùng cấp tính, làm chết 02 con trâu tại Nà Pam và Bản Cạu, phường Huyền Tụng; 04 con dê tại Nà Choong, xã Nông Thượng; 01 con tại tổ 12, phường Đức Xuân. Đặc biệt, dịch tả lợn châu Phi xảy ra từ tháng 5 đến cuối năm 2020 buộc phải tiêu hủy trên 380 con lợn, với trọng lượng trên 17.310kg.

Năm 2021, tính đến đầu tháng 5, thành phố có trên 350 con trâu, hơn 100 con bò, trên 530 con dê, hơn 5.300 con lợn, hơn 111.000 con gia cầm. Thực hiện phát triển trang trại chăn nuôi, chăn nuôi theo chuỗi liên kết, thành phố hiện có 03 tổ chức kinh tế chăn nuôi lợn với quy mô trang trại vừa và nhỏ, gồm: Công ty TNHH Nam Huế, HTX Hùng Tuyết và hộ ông Hà Sỹ Phúc. Cả 03 trang trại đã và đang thực hiện chăn nuôi theo chuỗi liên kết hiệu quả. 

Con bò bị bệnh viêm da nổi cục ở tổ Tổng Nẻng, phường Huyền Tụng đang được chữa trị, hồi phục
Con bò bị bệnh viêm da nổi cục ở tổ Tổng Nẻng, phường Huyền Tụng đang được chữa trị.

Ngay từ đầu năm 2021, UBND thành phố đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND các xã, phường tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Công tác tiêm phòng đợt 1 năm 2021 thực hiện tiêm vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò được 254/370 liều, đạt 68,6% kế hoạch; tiêm vắc xin lở mồm long móng trâu, bò 260/370 liều, đạt 70,2% kế hoạch; tiêm vắc xin dịch tả lợn 3.591/5.000 liều, đạt 71,8% kế hoạch; tiêm vắc xin tụ huyết trùng lợn 3.591/5.000 liều, đạt 71,8% kế hoạch… Thành lập đội phun thuốc khử trùng tiêu độc và trực tiếp phun tại các khu vực chăn nuôi của hộ gia đình, chợ buôn bán động vật sống, nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm... Sử dụng 360 lít thuốc sát trùng để phun cho hơn 7.750 hộ/117 thôn, tổ và 03 chợ, 01 điểm mua, bán động vật. Trong Tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng, 8/8 xã, phường đã thành lập đội phun thuốc, tiếp nhận với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố gần 290 lít thuốc sát trùng.

Mặc dù vậy, những tháng qua, trên địa bàn thành phố xuất hiện bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò và dịch tả lợn châu Phi tái phát. Cụ thể: Từ tháng 4 đến nay, dịch tả lợn châu Phi tái phát tại các xã, phường: Huyền Tụng, Dương Quang, Xuất Hóa... Tính đến ngày 31/5, trên địa bàn thành phố có tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy 526 con, tổng trọng lượng hơn 24.697kg. Bên cạnh đó, bệnh viêm da nổi cục cũng xuất hiện ở tổ Tổng Nẻng, phường Huyền Tụng, với 02 con bò bị mắc bệnh, hiện đang chữa trị và hồi phục tốt.

Để làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, hạn chế thấp nhất các ổ dịch tái phát cũng như kiểm soát các loại bệnh dịch mới, các địa phương, cơ sở, hộ chăn nuôi cần tích cực triển khai các biện pháp phòng ngừa, không để dịch bệnh lây lan diện rộng nhằm bảo đảm ổn định phát triển chăn nuôi. Thực hiện kiểm tra, kiểm soát các hoạt động buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan, đặc biệt đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Thực hiệt tốt công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y tại các chợ; phun thuốc khử trùng tiêu độc môi trường theo đúng quy định; thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Giám sát chặt chẽ tình hình, thường xuyên kiểm tra vật nuôi để phát hiện sớm những bất thường trên đàn vật nuôi; nhanh chóng khai báo với cán bộ thú y cơ sở, chính quyền địa phương khi nghi ngờ vật nuôi mắc các bệnh truyền nhiễm để có biện pháp can thiệp kịp thời…/.

Tùng Vân

Xem thêm