Phát huy giá trị thương hiệu bí xanh thơm Ba Bể

Bí xanh là cây trồng thế mạnh của huyện Ba Bể đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh. Điều này đã giúp cho bí xanh thơm Ba Bể có thêm điều kiện phát huy giá trị thương hiệu, phát triển theo hướng bền vững.

Cây trồng đặc sản 

Bí xanh là cây bản địa được trồng ở huyện Ba Bể từ rất lâu, nhưng phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của các xã Địa Linh, Yến Dương, Mỹ Phương. Bí xanh Ba Bể có hai loại, một loại vỏ xanh đậm được gọi là bí xanh thơm và một loại vỏ có phủ phấn trắng bên ngoài gọi là bí phấn thơm.

Vốn khác biệt so với những quả bí xanh thông thường có hình dáng thon và dài, loại bí xanh thơm đặc sản ở Ba Bể lại có hình bầu dục, nặng từ 1,5- 4kg/quả. Đây là cây trồng đặc biệt thích hợp trên chân ruộng 1 vụ, đất soi, bãi, thời gian thu hoạch ngắn ngày, năng suất cao hơn gấp ba lần so với trồng lúa, ngô. Quả bí ở đây có đặc trưng riêng không giống với các loại bí đao phổ biến trên thị trường với ưu điểm là quả to, đặc ruột, thân, lá, hoa, quả đều có mùi thơm, vỏ cứng dày nên sau khi thu hoạch có thể để được lâu.

Bí xanh thơm là cây trồng đặc sản của huyện Ba Bể.
Bí xanh thơm là cây trồng đặc sản của huyện Ba Bể.

Là hộ đầu tiên trồng bí xanh tại xã Địa Linh, ông Dương Văn Hoàn, thôn Nà Đúc chia sẻ: Khoảng năm 2013, một lần tình cờ khi đi đến một xã khác trong huyện được ăn món bí xanh thấy ngon, ông đã xin hạt giống về trồng. Do khí hậu và thổ nhưỡng ở Địa Linh phù hợp nên cây bí rất thích nghi, phát triển tốt. Những năm đầu, gia đình ông chỉ trồng 600m2, vừa phục vụ nhu cầu thực phẩm của gia đình, vừa bán lẻ tại các chợ. Hiện gia đình ông đã chuyển đổi 2.000m2 đất ruộng 1 vụ để trồng bí xanh thơm và bí phấn. Năng suất bình quân đạt 5 tấn/vụ.

Gia đình chị Mã Thị Đới, thôn Nà Giảo, xã Yến Dương trồng bí xanh đến nay đã được 4 năm. Nhận thấy giá trị kinh tế từ cây bí xanh mang lại nên gia đình chị đã chuyển đổi đất ruộng 1 vụ kém hiệu quả sang chuyên canh cây bí, thuê thêm đất để mở rộng diện tích lên 6.000m2.

Từ chỗ chỉ trồng manh mún, nhỏ lẻ, đến nay cây bí xanh đã được phát triển mạnh tại huyện Ba Bể, không chỉ được trồng tại các xã Địa Linh, Yến Dương, Mỹ Phương, nay còn được mở rộng sang các xã lân cận có khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng là Chu Hương, Thượng Giáo, Hà Hiệu. Năm 2020 toàn huyện trồng được 76ha; năm 2021 trồng khoảng 122ha.

Diện tích trồng bí tăng nhanh, người dân ứng dụng kỹ thuật vào canh tác, đầu tư thâm canh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn nên sản lượng, mẫu mã và chất lượng ngày càng được nâng lên. Hiện nay đang vào vụ thu hoạch bí xanh thơm, năng suất ước đạt 400 tạ/ha, sản lượng ước đạt hơn 4.000 tấn. Nếu tính giá bán bình quân trên thị trường hiện nay là 7.000 đồng/kg thì mỗi héc-ta cho thu nhập 280 triệu đồng, đó là nguồn thu nhập không nhỏ từ sản xuất nông nghiệp.

Nâng tầm thương hiệu sản phẩm 

Xác định bí xanh thơm có nhiều tiềm năng để phát triển thành vùng nông sản đặc sản, thời gian qua, tỉnh ta đã lồng ghép nhiều chương trình, dự án, các cơ chế, chính sách để hỗ trợ huyện Ba Bể nâng cao năng suất, chất lượng, phát huy giá trị thương hiệu. Trong đó, tỉnh triển khai thực hiện đề tài bảo tồn nguồn gen, giống của cây bí bản địa, hỗ trợ canh tác theo hưỡng hữu cơ, nông nghiệp sạch VietGAP... Từ đó, lựa chọn và phát huy tốt nhất những đặc điểm quý của quả bí xanh thơm, xây dựng được kênh phân phối nguồn giống chuẩn, đồng nhất cho bà con canh tác, góp phần giữ được chất lượng thơm ngon của giống bí bản địa mà không nơi nào có được.

Theo đó, năm 2019 Sở KH&CN đã phối hợp với Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên và huyện Ba Bể triển khai thực hiện Đề tài “Xây dựng mô hình phục tráng bí xanh thơm Ba Bể đảm bảo năng suất cao, chất lượng tốt”, tập trung điều tra, đánh giá tình hình sản xuất và nghiên cứu phục tráng giống bí, tập huấn chuyển giao kỹ thuật để cải tạo giống bí đang có nguy cơ thoái hóa về đặc tính. Theo kết quả phục tráng vụ thứ 3, đã chọn sơ bộ được 2 dòng bí có kiểu hình đặc trưng là bí phủ phấn trắng, hình trụ, trọng lượng bình quân 1,8 - 2kg, chất lượng thơm ngon hơn hẳn. Ngoài đánh giá chỉ tiêu cảm quan, đề tài sẽ tiến hành phân tích các chỉ tiêu sinh hóa để đánh giá chất lượng loại quả đặc sản này của địa phương.

Bên cạnh đó, huyện còn chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn các địa phương, nhóm hộ trồng bí xanh theo hướng nông sản sạch, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quy trình sản xuất, đảm bảo về chất lượng và an toàn thực phẩm; khuyến khích, hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác, HTX tham gia liên kết với các hộ dân trồng và bao tiêu sản phẩm bí xanh thơm góp phần tạo đầu ra ổn định, giúp cây bí xanh phát triển bền vững.

HTX Yến Dương thu mua quả bí xanh cho người dân trên địa bàn xã.
HTX Yến Dương thu mua quả bí xanh cho người dân trên địa bàn.

Trên địa bàn huyện hiện có 03 HTX đứng ra liên kết với các hộ dân trồng bao tiêu sản phẩm bí xanh thơm cho nông dân là: HTX Nhung Lũy, HTX Yến Dương (xã Yến Dương), HTX Thanh Đức (xã Địa Linh). Các HTX này đã kết nối với các siêu thị, đại lý trong và ngoài tỉnh để bao tiêu sản phẩm bí xanh cho bà con. Sản phẩm bí xanh thơm của các HTX đã và đang được triển khai thực hiện canh tác theo hướng hữu cơ và tiêu chuẩn VietGAP, tham gia Chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm" của tỉnh và đạt 3 sao OCOP. 

Chị Ma Thị Ninh- Giám đốc HTX Yến Dương cho biết: Vụ bí xanh năm 2021 HTX chủ động hỗ trợ hơn 5 tấn phân bón hữu cơ cho 25 hộ dân tham gia để phát triển 10ha cây bí xanh theo hướng canh tác hữu cơ, từng bước xây dựng thương hiệu bí xanh an toàn. Năm nay, HTX liên kết với 135 hộ dân để trồng và bao tiêu sản phẩm bí xanh thơm với diện tích 17,6ha. Đến nay HTX thu mua được 30 tấn bí xanh với giá bình quân từ 6.000 - 8.000 đồng/kg.

Đối với HTX Nhung Lũy, các thành viên cũng đã áp dụng quy trình bí xanh thơm theo hướng hữu cơ, sử dụng phân chuồng ủ hoai mục bằng men vi sinh để bón lót cho cây, đảm bảo sản phẩm an toàn với người tiêu dùng. Năm nay HTX tiếp tục ký hợp đồng với 10 tổ hợp tác trồng bí xanh thơm trên địa bàn xã Địa Linh và Yến Dương với diện tích khoảng 23ha; đồng thời mở rộng maketting online, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, tìm kiếm các thị trường tiềm năng để tiêu thụ và giới thiệu sản phẩm bí xanh Ba Bể đến với người tiêu dùng trên toàn quốc.

Năm 2021, UBND huyện Ba Bể đã phê duyệt Dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm bí xanh thơm với quy mô 15ha thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Trong đó triển khai thực hiện tại các xã Địa Linh, Yến Dương, Chu Hương với mục tiêu hình thành vùng nguyên liệu tập trung, tổ chức liên kết sản xuất, nâng cao chất lượng và bao tiêu sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân. Giai đoạn 2021-2022 huyện sẽ lồng ghép các chương trình, dự án để hỗ trợ hộ gia đình, hợp tác xã, tổ hợp tác về giống, vật tư, phân bón, tư vấn xây dựng liên kết, tập huấn kỹ thuật, đăng ký thương hiệu chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nhằm giúp cây bí xanh phát triển ổn định, bền vững.

Tuy nhiên, để nâng tầm được thương hiệu bí xanh thơm Ba Bể rất cần có sự quan tâm hơn nữa của tỉnh, các sở, ngành trong việc hỗ trợ phát triển mở rộng diện tích canh tác theo hướng hữu cơ, VietGAP, liên kết tiêu thụ, nghiên cứu chế biến sâu, xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể và sản xuất theo chuỗi giá trị đối với cây trồng đặc sản này./.

Hà Thanh

Xem thêm