Ngân Sơn phát triển cây ăn quả có giá trị kinh tế cao

Những năm qua, huyện Ngân Sơn đã khuyến khích, hỗ trợ và quy hoạch vùng trồng cây ăn quả từng bước hình thành vùng sản xuất chuyên canh, đặc biệt là cây đặc sản có giá trị kinh tế phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.  

Cây dẻ là một trong những cây trồng có giá trị kinh tế cao được huyện Ngân Sơn ưu tiên phát triển.
Cây dẻ là một trong những cây trồng có giá trị kinh tế cao được huyện Ngân Sơn ưu tiên phát triển.

Trồng cây dẻ từ năm 2005, với 50 cây ban đầu, sau 5 năm chăm sóc cho thu nhập hơn 50 triệu đồng/vụ, gia đình bà Bàn Thị Ngân, thôn Nặm Làng, xã Đức Vân đã nhân rộng, phát triển gần 1.000 cây. Nhận thấy đây là cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương, năm 2019 bà đứng ra thành lập Hợp tác xã Hợp Phát với 21 thành viên, mục đích liên kết tạo thành chuỗi sản xuất thuận lợi cho việc mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng giá trị kinh tế  các loại cây ăn quả như: Dẻ, lê, mận, mác cọt…

Bà Bàn Thị Ngân- Giám đốc Hợp tác xã Hợp Phát cho biết: "Diện tích cây dẻ của thành viên HTX có hơn 16ha. Trong năm 2021 HTX ký hợp đồng với Lâm trường diện tích 20ha để trồng cây dẻ, hiện đã trồng xong 5ha. Thời gian trồng đến khi cho thu hoạch khoảng 5 năm, trong thời gian đó HTX trồng xen canh cây dược liệu để lấy ngắn nuôi dài. Sản phẩm hạt dẻ tươi của HTX đã được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, đây là điều kiện thuận lợi nâng cao giá trị sản phẩm. HTX đang nghiên cứu tạo ra nhiều sản phẩm chế biến sâu từ hạt dẻ, tuy nhiên chúng tôi đang trăn trở khâu bảo quản hạt dẻ. Để người dân yên tâm gắn bó với cây dẻ, HTX sẽ đứng ra thu mua, liên kết với các tổ hợp tác trên địa bàn và các vùng lân cận".

Xã Đức Vân là một trong những địa phương được huyện Ngân Sơn quy hoạch thành vùng trồng cây dẻ. Trước đây, người dân trồng nhỏ lẻ, mỗi hộ vài cây đến hơn chục cây, đến mùa thu hái bán với giá bình quân từ 80.000 - 100.000 đồng/kg hạt dẻ. Thực tế thu nhập từ cây dẻ mang lại giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương nên người dân tập trung phát triển. Đến nay toàn xã có hơn 50ha, riêng năm 2021 trồng mới 18ha, chủ yếu ở các thôn: Phiêng Dượng, Bản Chang, Bản Duồi… Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Đức Vân nhiệm kỳ 2020 – 2025 phấn đấu mỗi năm duy trì diện tích hồng không hạt hiện có và trồng mới 5,5ha; cây dẻ 21ha; cây cam, quýt 1ha.

Cây lê được đánh giá là cây trồng đặc sản, đặc trưng ở huyện Ngân Sơn, tuy nhiên diện tích còn manh mún nhỏ lẻ, diện tích cho thu hoạch chỉ hơn 2ha. Để người dân từng bước phát triển thành vùng sản xuất chuyên canh, huyện xây dựng nhiều đề án cải tạo cây lê già cỗi, đưa giống lê cho năng suất, chất lượng vào trồng thử nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật… Đến nay toàn huyện có gần 40ha diện tích trồng lê, tập trung nhiều ở các xã Vân Tùng, Đức Vân, Bằng Vân.

Với khí hậu đặc trưng mát mẻ quanh năm, huyện Ngân Sơn có nhiều cây trồng đặc sản mà ít địa phương trong tỉnh trồng đạt sản lượng, chất lượng cao như: Dẻ, đào, lê. Toàn huyện hiện có gần 150ha cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, trong đó khoảng 50% đã cho thu hoạch. Cùng với việc trồng mới, huyện cũng chú trọng sản xuất theo hướng an toàn và cải tạo, thay thế những vườn cây ăn quả già cỗi, năng suất thấp như: Phục tráng cam, quýt tại xã Thượng Ân; cải tạo giống lê ta, cây đào ở thôn Đèo Gió, xã Vân Tùng; phát triển cây đào gắn với du lịch trải nghiệm…

Để khai thác, phát huy tốt các nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo bước phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời góp phần giữ gìn và phát huy các bản sắc văn hóa truyền thống, huyện Ngân Sơn xây dựng Đề án “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh huyện Ngân Sơn giai đoạn 2021 – 2025”. Trong đó nhấn mạnh tập trung phát triển cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: Trồng 20ha cây đào tại xã Vân Tùng, thị trấn Nà Phặc; trồng 100ha cây dẻ ở các xã Cốc Đán, Thượng Ân, Bằng Vân, Đức Vân, thị trấn Nà Phặc; trồng 8ha cây lê ở các xã Bằng Vân, Vân Tùng, Đức Vân.

Đồng chí Nguyễn Trọng Lăng- Phó Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn cho biết: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Ngân Sơn, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định, phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung nguồn lực ưu tiên trồng cây có giá trị kinh tế cao. Vì vậy, huyện sẽ đẩy mạnh công tác khuyến nông, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Đặc biệt là thâm canh cây trồng có giá trị kinh tế cao nhằm tăng năng suất, chất lượng, xây dựng các đề án hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa. Song song, tìm đầu mối tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp, tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm gắn với xúc tiến du lịch trải nghiệm, góp phần giúp người dân yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập.

Với sự quan tâm, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn, sự đồng thuận của người dân, việc phát triển cây ăn quả ở huyện Ngân Sơn đang có những chuyển biến tích cực và hiệu quả, tiếp tục được triển khai đồng bộ theo quan điểm quy hoạch thành vùng tập trung, gắn với phát triển du lịch nông nghiệp bền vững./.

Hà Nhung

Xem thêm