Hướng dẫn kỹ thuật tiêm phòng vắc xin Viêm da nổi cục và cách xử lý trâu, bò bị phản ứng sau tiêm phòng vắc xin

I. Kỹ thuật bảo quản, sử dụng vắc xin

1. Bảo quản

Đối với vắc xin Lumpyvac được bảo quản ở nhiệt độ từ 20C đến 80C, tránh ánh sáng chiếu trực tiếp, không bảo quản ở chế độ đông lạnh. Trong quá trình vận chuyển và sử dụng vắc xin phải được bảo quản trong thùng xốp cùng với đá lạnh hoặc đá khô.

2. Sử dụng vắc xin

- Vắc xin Lumpyvac là vắc xin nhược độc dạng đông khô.

- Dung dịch pha (gồm vắc xin + lọ nước muối sinh lý 50 ml đã được làm mát); sử dụng lọ vắc xin đã pha trong vòng2 giờ. Mỗi lần lấy vắc xin đã pha vào xi lanh phải lắc đều lại một lần nữa.

- Cách pha vắc xin: Lọ vắc xin 25 liều pha với lọ nước muối sinh lý 50 ml tiêm cho 25 con trâu, bò.

Sử dụng:

+ Lắc kỹ vắc xin đã pha trước khi tiêm;

+ Tiêm dưới da.

+ Liều dùng: 2ml/con trâu, bò.

3. Mùa vụ và thời gian tiêm phòng

Triển khai tiêm phòng định kỳ vắc xin phòng bệnh VDNC 01 lần/năm (thời gian miễn dịch của vắc xin Lumpyvac 12 tháng). Riêng đối với mùa nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời tăng cao, thời gian tiêm phòng tốt nhất vào buổi sáng tiêm thời gian trước 9 giờ 00 phút; buổi chiều tiêm thời điểm sau 17 giờ 00 phút.

4. Kỹ thuật tiêm phòng vắc xin Lumpyvac

4.1. Chuẩn bị trước khi tiêm

- Làm gióng cố định trâu bò, chuẩn bị kẹp mũi, dây cố định trâu, bò.

- Vắc xin và nước muối sinh lý còn hạn sử dụng.

- Xi lanh, kim tiêm đã được vô trùng trước và sau mỗi lần tiêm.

- Panh, bông, cồn sát trùng.

4.2. Quy trình tiêm phòng

a) Đối tượng tiêm phòng: Tiêm phòng cho trâu, bò, bê, nghé khỏe mạnh từ 02 tháng tuổi trở lên (tại vùng dịch cũ và vùng bị dịch uy hiếpvới các ổ dịch cũ), các vùng còn lại tiêm phòng cho đàn trâu, bò trên 06 tháng tuổi.

b) Kỹ thuật tiêm

- Cố định trâu, bò chắc chắn;

- Lắc kỹ chai vắc xin đã pha; hút 2 ml vắc xin vào xi lanh;

- Vị trí tiêm: Tiêm dưới da vùng da cổ trâu bò (tuyệt đối không tiêm vào phần cơ hoặc phần thịt của trâu, bò).

- Sát trùng vị trí tiêm bằng cồn sát trùng, dùng hai ngón tay beo phần da cổ con vật lên để đâm kim vào theo chiều từ trên xuống dưới chếch 01 góc 45-600 so với mặt phẳng cổ (Chú ý mũi kim tiêm phải xuyên qua lớp da và không đâm vào phần cơ, thịt) rồi nhẹ nhàng bơm vắc xin.

* Lưu ý:

- Theo tổng hợp, báo cáo của các địa phương, bệnh Viêm da nổi cục chủ yếu xảy ra trên đàn bò, đàn trâu mắc bệnh chiếm tỷ lệ rất thấp (trong tổng số mắc 862 con từ khi có dịch đến ngày 17/5/2021 thì có 854 bò mắc bệnh, còn trâu là 08 con). Do vậy, trong quá trình thực hiện tiêm phòng các địa phương nên xem xét, cân đối số lượng vắc xin đã đăng ký, ưu tiên tổ chức tiêm phòng vắc xin cho toàn bộ đàn bò trước, nếu còn đủ vắc xin sẽ tiêm cho đàn trâu trong vùng có nguy cơ cao nhất.

- Không được tiêm đồng thời hoặc kết hợp với vắc xin khác;

- Kiểm tra lâm sàng trước khi tiêm phòng: Trâu, bò khỏe có gương mũi ướt, đi đứng, ăn uống,… mọi trạng thái đều bình thường.

- Chỉ tiêm vắc xin cho trâu, bò hoàn toàn khỏe mạnh, đúng tuổi, không tiêm cho trâu, bò đang mắc bệnh, ốm yếu, gia súc đang có những vết thương chưa lành.

- Đối với trâu, bò đang mang thai (có chửa) cần thao tác nhẹ nhàng; không tiêm cho trâu, bò mang thai ở thời kỳ đầu và thời kỳ cuối của quá trình mang thai.

- Sau khi tiêm phòng cần theo dõi tình hình sức khỏe, cho trâu, bò nghỉ ngơi không cho trâu, bò làm việc nặng như cày, kéo,... Khi trâu, bò có biểu hiện phản ứng bất thường cần báo ngay cho cán bộ thú y hoặc người trực tiếp tiêm phòng để can thiệp, xử lý.

II. Cách xử lý các trường hợp trâu, bò bị phản ứng sau tiêm phòng vắc xin

1. Trường hợp trâu, bò có thể phát bệnh sau tiêm phòng vắc xin

- Trâu, bò có thể phát bệnh sau tiêm phòng vắc xin là do những trâu, bò mang mầm bệnh nhưng chưa phát bệnh.

- Bệnh thường xuất hiện sau khi tiêm từ 24 giờ đến 48 giờ sau tiêm phòng vắc xin, với các biểu hiện mệt mỏi, ăn ít hoặc bỏ ăn kèm theo sốt cao, thở khó, chảy nước mũi…

- Cách xử lý khi trâu, bò phát bệnh

+ Cách ly ra khỏi đàn, để tiện cho việc chăm sóc, chữa trị theo triệu chứng của bệnh.

+ Kết hợp với chăm sóc nuôi dưỡng và công tác vệ sinh phòng bệnh triệt để nâng cao sức đề kháng.

- Hiện tượng phản ứng sau tiêm phòng thực tế cũng là hiện tượng phòng vệ của cơ thể bản thân con vật, do vậy sau mỗi đợt tiêm phòng thường không tránh khỏi trường hợp phản ứng. Do đó khuyến cáo người chăn nuôi sau khi tiêm phòng cần chú ý theo dõi quản lý con vật, nếu thấy hiện tuợng phản ứng thì cần báo ngay cho cán bộ thú y hoặc người trực tiếp tiêm phòng để có biện pháp can thiệp xử lý kịp thời.

2. Phản ứng sinh lý bình thường

- Triệu chứng: Đây là phản ứng có lợi, là một phần quan trọng của phản ứng đáp ứng miễn dịch đặc hiệu ở động vật. Sau khi tiêm phòng trâu, bò có biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, cơ thể sưng nhẹ ở vị trí tiêm nhưng trâu, bò vẫn ăn uống và không có dấu hiệu khó thở.

- Biện pháp xử lý: Cho trâu, bò ăn uống đầy đủ, nằm nghỉ ngơi râm mát, kín gió, yên tĩnh trâu, bò sẽ tự khỏi sau một vài ngày.

3. Phản ứng nhẹ mang tính chất cục bộ

- Triệu chứng: Tại vị trí tiêm bị viêm, biểu hiện triệu trứng như sưng, nóng đỏ, đau, con vật bị sốt, có thể hình thành ổ áp xe, để lâu có thể hình thành khối u, sơ cứng.

- Biện pháp xử lý: Cho trâu, bò nghỉ ngơi ở nơi yên tĩnh, kín gió, cho con vật ăn uống đầy đủ, dùng kháng sinh để chống viêm, dùng thuốc hạ sốt, trợ sức, xoa bóp bằng cồn salisilat methyl hoặc chườm nóng tại vị trí sưng.

4. Phản ứng toàn thân

* Sốc phản vệ

- Triệu chứng: Thường xảy ra ngay sau khi tiêm vắcxin trâu, bò có biểu hiện choáng, ngất, chân run rẩy, đi lại không vững hoặc khuỵu ngã, sùi bọt mép, chảy nước dãi, trụy tim, khó thở, sốt cao, ói mửa... nếu nặng không cấp cứu kịp thời con vật sẽ chết.

- Biện pháp xử lý: Cho trâu, bò nằm nghỉ ngơi râm mát kín gió, yên tĩnh, đầu thấp, nghiêng sang một bên, khi có biểu hiện khó thở cần hỗ trợ hô hấp bằng cách tác động cơ học vào vùng bụng, ngực của trâu, bò theo kỹ thuật hô hấp nhân tạo. Dùng thuốc điều trị trong 3 ngày liên tục, sử dụng các loại thuốc như trợ tim, chống dị ứng, trợ sức, thuốc an thần, thuốc hạ sốt, thuốc trợ hô hấp và thuốc kháng sinh để tránh viêm nhiễm và đề phòng các bệnh kế phát.

* Phản ứng ngoài da

- Triệu trứng: Trường hợp này xảy ra chậm, trong vòng vài giờ hoặc từ 1-2 ngày mới biểu hiện triệu chứng trâu, bò có các triệu chứng như sốt nhẹ, phát ban tại các vị trí da mỏng, có biểu hiện ngứa toàn thân.

- Biện pháp xử lý: Cho trâu, bò nằm nghỉ nơi râm mát, kín gió. Trường hợp phát ban nặng có thể dùng các thuốc hạ sốt, trợ sức, thuốc chống dị ứng điều trị từ 2-3 ngày./.

Chi cục Chăn nuôi và Thú ý Bắc Kạn

Xem thêm