Hội nghị tổng kết thực hiện Chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020

Sáng 11/6, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết thực hiện Chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020. Đồng chí Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn có đồng chí Nguyễn Ngọc Cương- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT và đại diện các đơn vị trực thuộc.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Bắc Kạn
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Bắc Kạn.

Sau gần 05 năm (2015-2020) thực hiện Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 4/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020, tổng kinh phí đã hỗ trợ cho nông hộ chăn nuôi trên toàn quốc là 832,781 tỷ đồng. Các hạng mục được hỗ trợ gồm: Hỗ trợ tinh phối giống nhân tạo cho lợn; hỗ trợ tinh phối giống nhân tạo cho trâu, bò; hỗ trợ mua con giống gia súc, gia cầm; hỗ trợ xử lý chất thải; hỗ trợ đệm lót sinh học; hỗ trợ đào tạo dẫn tinh viên; hỗ trợ công phối giống và vật tư, thiết bị khác.

Tại tỉnh Bắc Kạn, tổng số kinh phí cấp cho các huyện, thành phố để thực hiện chính sách hơn 3,3 tỷ đồng để hỗ trợ mua lợn, trâu, bò đực giống và gà vịt giống; xây mới công trình xử lý chất thải chăn nuôi; thiết bị phối giống nhân tạo...

Việc thực hiện chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ đã góp phần nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất chăn nuôi trong nông nghiệp, ngày càng tăng giá trị các sản phẩm chủ lực, có tiềm năng lợi thế; tác động tích cực đến cuộc sống hàng triệu hộ chăn nuôi ở nông thôn, góp phần tạo việc làm cho người dân nông thôn...

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, nêu rõ những khó khăn trong quá trình thực hiện như: Phương thức hỗ trợ chính sách là hỗ trợ sau đầu tư, do vậy, người chăn nuôi nhỏ lẻ, đặc biệt là người dân tộc thiểu số chưa quen với phương thức này. Địa bàn vùng đặc biệt khó khăn còn thiếu kinh phí đối ứng để đầu tư mua con giống trước, nhận hỗ trợ sau; đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ mua con giống là các nông hộ ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thu nhập thấp nên các hộ nông dân chưa chú trọng đầu tư, áp dụng kỹ thuật mới để phát triển chăn nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi; một số địa phương còn khó khăn trong việc lựa chọn đơn vị cung cấp con giống, vật tư kỹ thuật... 

Phát biểu kết thúc hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá: Chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ góp phần tạo việc làm cho người dân nông thôn, chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng vẫn đạt hiệu quả cao và an toàn dịch bệnh, ổn định sinh kế cho người dân. Thông qua chương trình truyền giống nhân tạo bò đã tạo ra giống bò lai hướng thịt năng suất cao, tăng sản phẩm có giá trị cho xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đàn bò của các địa phương. Chính sách đã góp phần chuyển nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm từ chỗ tự cung tự cấp sang chăn nuôi hàng hoá; giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, nâng cao nhận thức của người dân trong việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào chăn nuôi, đóng góp tích cực vào quá trình xoá đói, giảm nghèo, làm giàu cho các hộ chăn nuôi ở khu vực nông thôn…/.

P – Q

Xem thêm