Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất

Vụ đông xuân năm 2020-2021, các địa phương trên toàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao, góp phần đa dạng sản phẩm nông nghiệp, nâng cao giá trị trên cùng đơn vị diện tích.

Người dân trồng dưa lưới trên ruộng cạn ở xã Quảng Khê (Ba Bể)
Người dân xã Quảng Khê (Ba Bể) trồng dưa lưới trên ruộng cạn.

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hằng năm, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên cơ sở rà soát kế hoạch chuyển đổi của các địa phương, đảm bảo phù hợp với kế hoạch chung của tỉnh. Theo đó, tập trung chuyển đổi đối với những diện tích đất trồng lúa, ngô khó khăn về nước tưới tiêu sang trồng các loại cây khác. Đây là một giải pháp quan trọng để tăng hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho người nông dân.

Triển khai sản xuất vụ xuân năm 2021, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 165,8ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, duy trì diện tích đã chuyển đổi từ những năm trước 1.555ha. Các loại cây trồng được chuyển đổi thay thế cây lúa như: Khoai tây, khoai lang, dong riềng, khoai môn, thuốc lá, nghệ, gừng, bí xanh, đậu tương, lạc, thạch đen,… Một số loại không nằm trong kế hoạch cũng được trồng nhiều như: Dưa lưới, dưa lê, dưa hấu, giảo cổ lam, mía. Trên diện tích chuyển đổi, hầu hết các mô hình sản xuất, thâm canh theo hướng sản xuất an toàn thực phẩm, công nghệ cao, cho thu nhập từ 100 triệu đồng/ha/năm trở lên.

Có thể thấy, đây là chủ trương đúng đắn của tỉnh được Nhân dân đồng tình hưởng ứng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, không những thế còn thay đổi nhận thức của người dân trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Thực tế cho thấy, hầu hết các địa phương đều chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm cạnh tranh trên thị trường. Nhiều sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, VietGAP,… khẳng định được chất lượng, thương hiệu và có sức tiêu thụ mạnh trên thị trường.

Việc chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở từng địa phương trong tỉnh không những cho thu nhập vượt trội mà còn giải quyết được tình trạng đất bỏ hoang, áp lực tưới tiêu, phòng tránh sâu bệnh hại... Đồng thời còn có tác dụng cải tạo đất, khiến cho đất tơi xốp, góp phần đa dạng sản phẩm nông nghiệp, nâng cao giá trị trên cùng đơn vị diện tích canh tác./.

Phan Quý

Xem thêm