Cần sớm đưa các nhà máy công nghiệp tái hoạt động sản xuất

Hiện nay trên địa bàn tỉnh, nhiều nhà máy dừng hoạt động sản xuất kéo dài, làm ảnh hưởng đến người lao động, nguồn thu ngân sách địa phương, lãng phí quỹ đất cũng như thiệt hại cho cả phía nhà đầu tư.

Nhà máy sắt xôp tại KCN Thanh Bình dừng hoạt động
Nhà máy sắt xốp Bắc Kạn tại KCN Thanh Bình dừng hoạt động nhiều năm nay.

Có thể liệt kê những dự án công nghiệp đã dừng hoạt động trong thời gian dài như: Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô của Công ty cổ phần Sản xuất và Chế tạo ô tô Tracimexco (gọi tắt là Công ty Tracimexco); Nhà máy luyện kim phi cốc (công suất 100.000 tấn sắt xốp/năm) của Công ty cổ phần Vật tư và Thiết bị MATEXIM; Nhà máy luyện gang của Công ty Cổ phần Khoáng sản Tây Giang; Nhà máy chế biến bột Cacbonat…

Một trong những nhà máy lớn dừng sản xuất kéo dài tại Khu Công nghiệp Thanh Bình(Chợ Mới) là Nhà máy sắt xốp Bắc Kạn (công suất 100.000 tấn sắt xốp/năm) của Công ty cổ phần vật tư và thiết bị toàn bộ MATEXIM. Nhà máy chính thức hoạt động sản xuất từ năm 2013, đến năm 2014 đạt sản lượng cao nhất với hơn 12.000 tấn/năm, doanh thu khoảng 60 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 100 lao động. Tuy nhiên, quý I/2016 Công ty có văn bản báo cáo tình hình sản xuất tại nhà máy và xin tạm ngừng sản xuất khu vực luyện kim. 

Ông Nông Đình Huân- Phó Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết: Nhà máy dừng hoạt động từ năm 2016 đến nay, kéo theo nhiều công nhân mất việc làm, quỹ đất được giao không phát huy hiệu quả, trong khi Khu công nghiệp đang thiếu quỹ đất để đón các nhà đầu tư. Chúng tôi mong muốn Công ty cổ phần Vật tư và Thiết bị toàn bộ MATEXIM sớm đưa nhà máy hoạt động trở lại, hoặc chuyển đổi sản xuất để tạo việc làm cho người lao động, đóng góp cho ngân sách địa phương.

Không chỉ một số nhà máy trong Khu Công nghiệp Thanh Bình dừng hoạt động, tại huyện Bạch Thông hiện cũng có hai nhà máy ngừng hoạt động, gồm: Nhà máy luyện gang và Nhà máy chế biến bột Cacbonat. Trong đó, Nhà máy luyện gang của Công ty Cổ phần Khoáng sản Tây Giang Bắc Kạn thực hiện tái cơ cấu từ tháng 01/2015, đến tháng 02/2016 đi vào hoạt động sản xuất. Tuy nhiên sản xuất không ổn định, thường xuyên phải dừng giãn để sửa chữa thiết bị. Từ đầu năm 2019 đến nay, Nhà máy ngừng toàn bộ hoạt động sản xuất. Đây là dự án chế biến khoáng sản nên việc nhà máy dừng hoạt động cũng ảnh hưởng đến các đơn vị khai thác mỏ bán nguyên liệu cho doanh nghiệp này.

Những dự án có nhiều triển vọng với mục tiêu tạo bước đột phá trong chế biến công nghiệp khai khoáng đó là Dự án nhà máy chế biến bột Cacbonat của Công ty TNHH MTV Phiabjóoc và Dự án mỏ đá vôi trắng Nà Hai, xã Quảng Khê (Ba Bể) của Công ty TNHH Tuấn Ngân (chủ sở hữu Công ty TNHH MTV Phiabjóoc) hiện cũng ngừng hoạt động sản xuất trong thời gian dài. Dự án nhà máy chế biến bột Cacbonat được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 13101000020 ngày 15/4/2009; cấp điều chỉnh lần 02, ngày 25/7/2013; công suất 54.000 tấn sản phẩm/năm; địa điểm thực hiện tại phố Nà Hái, thị trấn Phủ Thông (Bạch Thông). Do dừng hoạt động sản xuất nên Công ty TNHH MTV Phiabjoóc đã sử dụng một phần diện tích được giao để xây dựng nhà máy chế biến tinh dầu quế nhưng chưa hoàn thiện thủ tục theo quy định.

Theo ước tính, nếu mỗi nhà máy sử dụng 100 lao động thì những nhà máy nêu trên hoạt động sẽ tạo việc làm cho khoảng 300-400 lao động, với mức lương bình quân 6 triệu đồng trên người/tháng. Các nhà máy dừng hoạt động kéo theo người lao động trong tỉnh phải đi tìm việc làm tại các khu công nghiệp ngoài tỉnh, đồng nghĩa với việc thương mại dịch vụ ở địa phương cũng vì vậy chậm phát triển. 

Việc tái hoạt động sản xuất đối với các nhà máy công nghiệp của tỉnh là hết sức cần thiết, góp phần tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, nhất là thời điểm này một lượng lớn lao động trong tỉnh đang phải làm việc tại KCN các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang lên đến vài nghìn người./.

Vì Dân

Xem thêm