Cần giải pháp tiêu thụ gỗ rừng trồng đạt chứng chỉ FSC

Sau quá trình chăm sóc đúng kỹ thuật, năm 2018, hơn 900ha rừng gỗ keo của người dân thuộc các xã Cao Kỳ, Nông Hạ, Hòa Mục (Chợ Mới) đã được cấp chứng chỉ rừng FSC. Tuy nhiên, từ đó đến nay, đơn vị thu mua gỗ theo cam kết vẫn không thấy tới khiến người dân mòn mỏi đợi chờ.

Một xưởng chế biến gỗ rừng trồng ở xã Cao Kỳ (Chợ Mới)
Một xưởng chế biến gỗ rừng trồng ở xã Cao Kỳ (Chợ Mới).

Năm 2017, hơn 900ha rừng keo của các hộ dân tại các xã Cao Kỳ, Nông Hạ, Hòa Mục của huyện Chợ Mới đã được Công ty cổ phần WOODSLAND - Việt Nam (Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ rừng trồng) phối hợp thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC (Chứng chỉ FSC là sản phẩm gỗ có kiểm soát). Việc cấp chứng chỉ rừng FSC và duy trì chứng chỉ là một việc làm có bước đột phá trong hoạt động sản xuất lâm nghiệp tại Bắc Kạn, tạo vùng nguyên liệu gỗ có nguồn gốc xuất xứ, phù hợp với tiêu chuẩn châu Âu. Đến năm 2018, qua quá trình thẩm định nghiêm ngặt của tổ chức quốc tế, hơn 900ha rừng trên đã được cấp chứng chỉ FSC. Tuy nhiên, từ đó đến nay Công ty cổ phần WOODSLAND - Việt Nam (đơn vị cam kết thu mua gỗ của người dân cao hơn giá thị trường 100.000 đồng/m3) vẫn bặt tin, khiến người dân có gỗ FSC lo lắng vì không biết bao giờ gỗ rừng trồng mới được thu mua như cam kết.

Đồng chí Đinh Anh Tuấn- Phó Chủ tịch UBND xã Nông Hạ cho biết: "Quá trình chăm sóc, tỉa thưa rừng… được thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ Công ty. Để cấp chứng chỉ FSC, các diện tích rừng phải trải qua 2 lần thẩm định, kết quả là cơ bản các hộ tham gia đều đạt tiêu chí. Khi đã được cấp chứng chỉ đủ điều kiện khai thác thì lại không thấy doanh nghiệp đến thu mua. Hồi đầu năm, được biết có đơn vị khác thế vào chỗ Công ty cổ phần WOODSLAND - Việt Nam để thu mua gỗ, nhưng chờ mãi cũng không thấy đến. Một số bà con không chờ lâu được đã khai thác gỗ bán ra theo giá thị trường. Sự việc trên khiến cho chúng tôi rất khó giải thích cho bà con hiểu".

Trao đổi với phóng viên, đồng chí Nguyễn Mỹ Hải- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Công ty cổ phần WOODSLAND - Việt Nam đã có văn bản không thu mua số gỗ đạt tiêu chuẩn FSC trên. Hiện có một đơn vị ở Hà Nội thế vào để tiến hành thu mua gỗ nhưng do rất nhiều thủ tục phức tạp (vì dự án liên quan đến nước ngoài) và dịch Covid-19 bùng phát nên chưa triển khai được.

Có thể thấy, việc phát triển rừng theo tiêu chuẩn châu Âu là hướng đi đúng đắn, tạo điều kiện cho gỗ rừng trồng Bắc Kạn xuất khẩu, nâng cao giá trị. Tuy nhiên, việc chọn đối tác trong quá trình hợp tác làm ăn chưa thấu đáo, mang lại rất nhiều hệ lụy trong việc giải quyết khi có những vướng mắc xảy ra, đồng thời ảnh hưởng đến tư tưởng của người dân trong việc thực hiện những dự án sau này./.

Phan Quý

Xem thêm