Cải tạo, phát triển vùng sản xuất chè hàng hóa ở Ba Bể

Giai đoạn 2019 - 2021, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Viện Khoa học Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc triển khai Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cải tạo và phát triển vùng sản xuất chè hàng hóa tại tỉnh Bắc Kạn” nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây chè, giúp người dân ổn định sản xuất và tăng thu nhập.

Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cải tạo và phát triển vùng sản xuất chè hàng hóa tại tỉnh Bắc Kạn” được triển khai tại hai huyện Chợ Mới và Ba Bể với 20ha chè thực hiện thâm canh, cải tạo; 12ha trồng mới theo hướng VietGAP và hữu cơ.

Sau hơn 2 năm thực hiện dự án áp dụng tiến bộ kỹ thuật cải tạo cây chè ở Mỹ Phương đã được nâng cao năng suất, chất lượng.
Sau hơn 2 năm thực hiện dự án, cây chè ở Mỹ Phương đã nâng cao năng suất, chất lượng.

Tại huyện Ba Bể, dự án triển khai thực hiện thâm canh cải tạo 10ha chè và trồng mới 7ha giống chè mới Kim Tuyên, VH8 theo hướng VietGAP, hữu cơ tại xã Mỹ Phương từ tháng 3/2019. Các hộ dân được hỗ trợ kỹ thuật cải tạo giống chè trồng bằng hạt trước đây một cách đồng bộ, quy củ hơn; tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến; hỗ trợ máy móc hoàn thiện quy trình chế biến chè xanh truyền thống đảm bảo nâng cao giá trị; chuyển giao 02 công nghệ chế biến sản phẩm mới là chè Ngân Kim và chè sợi cao cấp; đào tạo kỹ thuật cho 5 thành viên HTX Mỹ Phương và 150 lượt hộ dân trên địa bàn xã.

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cải tạo và phát triển vùng sản xuất chè hàng hóa ở Ba Bể đã đem lại hiệu quả cao. Những diện tích trồng mới đang bước vào giai đoạn kiến thiết cơ bản và bước đầu cho sản phẩm chất lượng tốt. Đối với diện tích cải tạo, thâm canh đã tăng đáng kể về chất lượng và sản lượng. Tại xã Mỹ Phương, nếu như trước đây người dân ở đây chỉ canh tác theo truyền thống, không cắt tỉa, phát triển tự nhiên nên năng suất không cao thì nay được hướng dẫn khoa học kỹ thuật từ khâu trồng, chăm sóc, bón phân, cắt tỉa tạo tán nên năng suất, chất lượng tăng từ 5 - 6 lần. Thực hiện hái tỉa, ít nhất mỗi tháng người dân thu hái chè được 02 lần, với diện tích chè chăm sóc tốt thì có thể thu hái 3 lần/tháng; một năm bình quân được thu chè trong khoảng 11 tháng. Đối với diện tích 5.000m2 trồng chè, người dân có thu nhập 6 triệu/tháng, trong đó hai giống chè mới là Kim Tuyên và VH8 được đánh giá cao về năng suất, chất lượng.

Chị Hoàng Thị Vẻn, thôn Pùng Chằm, thành viên HTX chè Mỹ Phương cho biết: Gia đình tôi có 9.000m2 chè thực hiện thâm canh, cải tạo và 1,2ha chè trồng mới tham gia thực hiện dự án cải tạo, phát triển vùng chè hàng hóa. Trước đây, gia đình tôi trồng theo phương pháp truyền thống, không đầu tư chăm sóc nên cây chè cằn cỗi, năng suất, chất lượng thấp. Tuy nhiên, 2 năm nay tham gia thực dự án được tập huấn kỹ thuật từ khâu trồng, chăm sóc, bón phân, thu hái, sao sấy, chế biến nên năng suất, chất lượng chè nâng lên rất nhiều, giá thành cao hơn, bán ra thị trường với giá 200.000 - 250.000 đồng/kg.

HTX chè Mỹ Phương có 5 thành viên được dự án hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, vì vậy đã giúp cho việc sản xuất chế biến chè của HTX nâng cao được chất lượng, hiệu quả. Đối với diện tích trồng mới theo hướng VietGAP, hữu cơ, HTX đã chủ động phối hợp với đơn vị thực hiện dự án và các cơ quan chuyên môn giám sát chặt chẽ đối với từng hộ về quy trình trồng, chăm sóc theo đúng kỹ thuật hướng dẫn nhằm thay đổi tư duy, thói quen canh tác của người dân. 

Xã Mỹ Phương hiện có diện tích chè lớn nhất huyện Ba Bể, khoảng 400ha. Đây là cây trồng chủ lực, giúp người dân địa phương nâng cao thu nhập. Vì vậy, việc thực hiện cải tạo, thâm canh và trồng mới theo hướng VietGAP, hữu cơ đã giúp các hộ trồng chè tiếp cận với kỹ thuật canh tác mới, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế và khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của cây chè địa phương./.

H.Thanh

Xem thêm